Hội nghị quốc gia Kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 2020
Phát biểu của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
- Kính thưa Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ;
- Kính thưa Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Kính thưa các vị lãnh đạo Nhà nước, các Đại sứ;
- Kính thưa toàn thể các vị khách quí, thưa các đồng nghiệp và các bạn,
Thay mặt các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tôi rất vinh dự và vui mừng được tham gia lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm nay.
Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay rất khác mọi năm. Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 30 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều thành tựu đã đạt được nhưng đồng thời cũng với tầm nhìn về một mục tiêu lớn lao hơn nhiều, đó là Kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Năm nay chúng ta cũng đang phải cùng lúc ứng phó với hai đại dịch – HIV và COVID-19.
Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng Việt Nam cho đến nay đã thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và với cống hiến của tất cả các cán bộ y tế ở tuyến đầu chống lại vi-rút corona. Việt Nam cũng đã rất nhanh chóng và quyết liệt trong việc đưa ra những chính sách đổi mới và linh hoạt để đảm bảo rằng người sống với HIV và những nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV không bị gián đoạn tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV thiết yếu trong thời gian bùng phát dịch COVID-19. Tôi xin bày tỏ lòng cảm kích đối với vai trò lãnh đạo và hành động kịp thời của Cục phòng, chống HIV/AIDS trong đáp ứng khẩn cấp này.
Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua của công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, những thay đổi ngoạn mục đối với người sống với HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong giai đoạn này thật đáng làm chúng ta phải ngỡ ngàng.
Với cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay mọi người dân Việt Nam đều có thế được điều trị kháng HIV ngay sau khi có chẩn đoán nhiễm, các chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm cả những can thiệp mới và rất hiệu quả như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (OST) đều đang được mở rộng đáng kể, tất cả các phương thức xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm do cộng đồng thực hiện và tự xét nghiệm đều đã có ở Việt Nam, và các cộng đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV đã và đang ngày càng tham gia, đóng góp nhiều hơn và có ý nghĩa hơn cho đáp ứng với HIV, đặc biệt là trong những nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Năm 2020 này, Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận tới các dịch vụ phòng, chống HIV cho mọi người dân có nhu cầu, cũng như đảm bảo tính bền vững của đáp ứng quốc gia với HIV/AIDS.
Việt Nam đã và đang là một điểm sáng trong đáp ứng với HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với việc nhanh chóng áp dụng và mở rộng các sáng kiến mới, các cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và có giá trị thực tiễn trong phòng, chống HIV/AIDS.
Nỗ lực của các bạn trong việc khống chế dịch HIV cũng đóng góp đáng kể cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác, trong đó có thể kể đến Mục tiêu Phát triển Bền vững về Bình đẳng giới, Giảm bất bình đẳng và về Xây dựng quan hệ đối tác cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Tôi xin bày tỏ lời chúc mừng chân thành nhất tới Việt Nam vì tất cả những thành tựu to lớn mà các bạn đã đạt được và hoàn toàn xứng đáng để tự hào trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong 30 năm qua cũng như trong năm 2020 đầy thử thách này.
Tôi cũng xin được bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của các cơ quan, cán bộ y tế và phòng chống HIV/AIDS ở tất cả các tỉnh thành, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng của người sống với HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và các đối tác phát triển. Những thành tựu mà tôi vừa nhắc đến ở trên của Việt Nam đã không thể trở thành hiện thực nếu không có các bạn, không có tình đoàn kết và sự sẻ chia trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS mà các bạn là hiện thân rõ rệt nhất trong suốt những năm qua.
Thưa toàn thể quí vị,
Năm 2020 đã sắp kết thúc, cả thế giới và Việt Nam vẫn còn đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 mới. Tin tức chúng ta mới nhận được từ tp. Hồ Chí Minh tối qua về phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng nhắc chúng ta phải cẩn trọng hơn, và Việt Nam cũng đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế xã hội do COVID-19. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến sức mạnh của tình đoàn kết và sự sẻ chia trách nhiệm để có thể bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người dân dễ bị tổn thương và đang tụt lại phía sau nhiều nhất, nếu mục tiêu của chúng ta là giữ cho đáp ứng với HIV không đi chệch khỏi quĩ đạo hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam.
Nguy cơ, thách thức còn rất nhiều. Lấy người dân làm trung tâm, tiếp tục thúc đẩy đáp ứng với HIV dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận về quyền, cùng nhau tiếp tục giữ vững cam kết và hành động để huy động được hết tiềm năng về trí tuệ và công sức của toàn Đảng toàn Dân, của Quốc hội, Chính phủ, của cộng đồng những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV, những người cung cấp dịch vụ, các cán bộ y tế cơ sở, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển – là cách duy nhất để Việt Nam đạt được những bước tiến và thành tựu mới.
Cùng nhau hành động với sự đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn nữa, Việt Nam sẽ giữ vững được cam kết không bỏ ai ở lại phía sau và kết thúc dịch AIDS để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, và qua đó đóng góp tích cực cho việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Trong mọi hành trình, chặng đường cuối bao giờ cũng là chặng đường gian nan nhất, nhưng cùng nhau chúng ta nhất định sẽ thành công.
Tiếp tục vận dụng cách tiếp cận toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV ở khu vực và sẽ có nhiều kinh nghiệm tốt, bài học hay để chia sẻ với bạn bè quốc tế trong nỗ lực không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đó không chỉ là nguồn sức mạnh để tạo ra thay đổi, và thực sự đã giúp thay đổi bức tranh về phòng, chống HIV và AIDS tại Việt Nam, mà còn là minh chứng rằng Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững là có thể thực hiện được, kể cả đối với các quốc gia có thu nhập trung bình ở mức thấp.
Tôi xin khẳng định rằng trên chặng đường tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam sẽ luôn có chúng tôi, các cơ quan Liên Hợp Quốc, đồng hành cùng các bạn.
Như lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã phát biểu nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay, hãy để ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải tiếp tục tập trung ứng phó với một dịch bệnh đã xuất hiện trên thế giới cách đây 40 năm nhưng vẫn chưa được khống chế, và hãy cùng nhau khẳng định rằng để vượt qua được cả đại dịch COVID-19 và HIV, toàn thế giới cần đoàn kết lại và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.
Xin cảm ơn vì những đóng góp và nỗ lực của tất cả các bạn trong chặng đường 30 năm qua đáp ứng với HIV/AIDS. Các bạn hãy giữ vững niềm tin trên chặng đường cuối hướng tới mục tiêu của năm 2030.
Xin cảm ơn vì đã lắng nghe và xin chúc sức khoẻ toàn thể quí vị!