Kể từ khi được phát minh ra, thuốc kháng sinh đã đóng vai trò trụ cột trong y học hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh liên tục cho người và động vật đã làm xuất hiện và lan truyền tình trạng kháng kháng sinh (AMR), xảy ra khi vi sinh vật như vi khuẩn có thể kháng lại loại thuốc được sử dụng để điều trị chúng.
Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình đối với sáng kiến toàn cầu về chống kháng kháng sinh với Tuần lễ nhận thức kháng sinh thế giới lần thứ tư (WAAW) từ ngày 12 đến 18 tháng 11 năm 2018. Ban chỉ đạo quốc gia về kháng kháng sinh đã cùng tham gia với WHO, FAO, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và các đối tác khác thuộc Sáng kiến Một Sức khỏe kêu gọi các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, nông dân, bác sĩ thú y, ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp, giới tri thức và công chúng nói chung “sử dụng thuốc kháng sinh một cách cẩn trọng”.
Một loạt hội thảo được tổ chức từ ngày 13 đến 17 tháng 11 tại các trường đại học để tăng cường nỗ lực đào tạo các bác sĩ, dược sĩ, bác sĩ thú y và nhân viên y tế tương lai về Kháng kháng sinh.
‘’Tham gia vào Tuần lễ nhận thức về kháng sinh thế giới là một trải nghiệm rất hữu ích với tôi, tôi nhận thức rõ hơn về rủi ro kháng kháng sinh ở người và động vật và giờ tôi cảm thấy tự tin hơn khi truyền thông điệp về kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho nông dân ở Việt Nam’’. Cô Nguyễn Tuyết Trinh, sinh viên ngành Thú y tại Đại học Nông Lâm cho biết.
‘’Chúng tôi nhận ra rằng cuộc chiến chống lại tình trạng kháng kháng sinh là việc của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, công việc quan trọng này không dừng lại sau Tuần lễ nhận thức kháng sinh thế giới. Giải quyết tình trạng kháng kháng sinh là ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Với các đối tác, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi mọi người không chỉ ngừng lạm dụng và sử dụng sai kháng sinh, mà còn có đủ thông tin để giúp chúng tôi truyền bá thông điệp này’’, Tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ban chỉ đạo quốc gia về kháng kháng sinh tại Việt Nam nói.
‘’Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có các cơ chế vững chắc để quản lý kháng kháng sinh. Việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia được hậu thuẫn về luật pháp và chính trị. Sự phối hợp hài hòa giữa các ngành liên quan đã thúc đẩy tiến bộ trên mặt trận chiến đấu với tình trạng kháng kháng sinh’’, Tiến sĩ Kidong Park, Đại diện WHO tại Việt Nam và Tiến sĩ Albert Lieberg, Đại diện FAO tại Việt Nam đồng tuyên bố.
Việt Nam đang rà soát Kế hoạch hành động quốc gia về AMR 2013-2020 và thảo luận về việc xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo đang được diễn ra giữa các lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT với sự hỗ trợ của WHO, FAO, OIE và các đối tác phát triển khác.