Điện Biên, tỉnh Tây bắc nhiều đồi núi xanh tươi là nhà chị Lò Thị Hóa, một phụ nữ dân tộc Thái. Mới vài năm trước, hàng tháng chị phải đạp xe 4 giờ liên tục lên bệnh viện huyện để lấy thuốc kháng HIV cho chồng, ngoài thời gian lo toan các công việc thường ngày trong nhà. Tình hình đã thay đổi khi sáng kiến điều trị 2.0 đưa xét nghiệm và điều trị HIV về đến xã của chị vào tháng 8 năm 2012. Chị được xét nghiệm HIV ngay tại trạm y tế xã nhà và ngay sau khi có kết quả dương tính được tiếp nhận vào điều trị tại bệnh viện huyện. Sau ba tháng chăm sóc và điều trị ổn định, chị đã được chuyển trở lại trạm y tế xã nhà để nhận thuốc ARV và kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng tháng ngay ở xã.
Thuốc ARV hiện được cấp ở trạm y tế xã chỉ cách nhà vài phút đi lại. Hiện tại chị Hóa có thể dành nhiều thời gian để nuôi gia cầm và làm việc năng suất hơn trên cánh đồng lúa, hai nguồn thu nhập chính cho gia đình chị. "Tôi không còn phải dành cả buổi sáng đạp xe đến bệnh viện huyện và quay về nữa. Tôi có thêm thời gian để làm công việc nhà hoặc nghỉ ngơi. Tôi cũng đã khuyên một vài hàng xóm cũng là những người có nguy cơ cao, động viên họ ra trạm y tế xã làm xét nghiệm HIV, rất nhanh và thuận tiện. Kể từ khi bắt đầu điều trị HIV tôi đã tăng cân và khoẻ hơn nhiều ". Chị Hóa cho biết.
Được chăm sóc và điều trị HIV ngay gần nhà, chị Hóa cũng cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi ra trạm y tế xã và nhìn thấy những gương mặt thân quen của nhân viên y tế tại đây. Chị cũng có thể trò chuyện với những bệnh nhân khác trên đường đến trạm y tế hoặc trong khi xếp hàng để nhận dịch vụ. Hiện tại, chị Hóa lạc quan rằng chị và chồng chị sẽ sống khỏe nếu được điều trị HIV liên tục và nhờ đó sẽ tự chăm sóc tốt được cho nhau.
Nhằm khuyến khích chẩn đoán và khởi đầu điều trị HIV sớm hơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã sớm áp dụng sáng kiến "điều trị 2.0", qua đó phân cấp nhiệm vụ tư vấn và xét nghiệm HIV về cho các trạm y tế xã. Sáng kiến tập trung tối ưu hoá việc sử dụng ARV, mở ra nhiều điểm chẩn đoán và chăm sóc HIV hơn, giảm chi phí, điều chỉnh hệ thống cung cấp các dịch vụ HIV và huy động cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ HIV. Các cộng tác viên y tế thôn bản, thành viên của các nhóm tự lực của người sống với HIV được huy động để tiếp cận và vận động những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến xét nghiệm HIV và nhận điều trị ở tuyến xã. Chương trình thí điểm điều trị 2.0 được triển khai tại Điện Biên và Cần Thơ vào năm 2012, sau đó được mở rộng ra những khu vực miền núi khác có tỷ lệ hiện nhiễm HIV từ mức trung bình đến mức cao.
Việc triển khai sáng kiến này đã thu được nhiều kết quả tốt và bền vững. Điều trị 2.0 tại tỉnh Điện Biên đã được mở rộng qui mô gấp năm lần từ 12 xã vào năm 2012 lên 63 xã vào năm 2018, giúp 1.217 người nhiễm HIV được điều trị ARV tại các trạm y tế xã nơi họ sinh sống. Sáng kiến đã chuyển giao hiệu quả một phần ba các dịch vụ phòng chống HIV cho các trạm y tế xã đảm nhiệm. Người dân được chẩn đoán HIV sớm hơn khi thực hiện xét nghiệm tại xã. Khoảng thời gian từ khi nhận kết quả xét nghiệm HIV đến khi bắt đầu điều trị được rút ngắn từ hơn 150 ngày xuống còn 28 ngày. Tỷ lệ bỏ điều trị thấp, chỉ 4,1% trong số 926 người nhiễm HIV không duy trì điều trị HIV sau khi được chuyển từ các phòng khám ngoại trú tuyến huyện về các trạm y tế xã trong suốt 6 năm thực hiện điều trị 2.0 tại Điện Biên.
Thành công của sáng kiến và nhu cầu ngày càng lớn về kết nối dịch vụ HIV tại tuyến xã đã khiến Chính phủ đẩy nhanh việc phân cấp các dịch vụ phòng chống HIV xuống y tế cơ sở. Không lâu sau khi triển khai chương trình thí điểm, các dịch vụ phòng chống HIV đã chính thức được cung cấp tại trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Cách tiếp cận phân cấp các dịch vụ y tế đã được thể chế hoá. Những nỗ lực này đã giúp cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận lâu dài đến dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV kịp thời, thuận tiện và thân thiện cho những người có HIV như gia đình chị Hóa, sống xa phòng khám ngoại trú HIV tuyến huyện.
Tổ chức Y tế Thế giới và UNAIDS sẽ tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy việc đưa các dịch vụ phòng chống HIV thân thiện, nằm trong khả năng chi trả của đa số người dân đến gần hơn với các cộng đồng có nhu cầu, để đóng góp vào các nỗ lực chung hướng đến kết thúc đại dịch AIDS để AIDS không còn là một nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng, thực hiện Bao phủ Sức khoẻ Toàn dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam.
* Câu chuyện đóng góp này có chứa những phần lược trích từ bản dự thảo cuối cùng của “Báo cáo đánh giá, thí điểm tiếp cận điều trị 2.0, tại Điện Biên và Cần Thơ, Việt Nam” do Cục PC HIV - Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện, với sự hỗ trợ từ UNAIDS và TCYTTG.