Đối với tình nguyện viên LHQ Theresa Schwarz, bảo vệ môi trường cũng có nghĩa là bảo vệ con người. Trong ảnh, cô đang phỏng vấn một học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam về mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên.
Theresa Schwarz hiện đang công tác tại chương trình UN-REDD của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Dưới tư cách Chuyên viên Truyền thông của Chương trình Tình nguyện LHQ (UNV), cô mang kinh nghiệm toàn cầu của mình về truyền thông và quản lý dự án để truyền đạt về giá trị của những hoạt động đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ mật thiết giữa con người và tự nhiên. Một con sông cạn nước có thể khiến con người phải xoay sở tìm nước uống. Một cơn cháy rừng có thể huỷ hoại vô vàn mái ấm và số phận. Biến đổi khí hậu đang khiến những thiên tai như lũ lụt và giông bão xảy ra ngày một nhiều. Con người vì thế cần phải bắt đầu thay đổi cách họ đang đối xử với hành tinh của mình.
“Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường của mình, chính cuộc sống của chúng ta cũng sẽ bị đe doạ,” cô Theresa Schwarz, Chuyên viên Tình nguyện LHQ tại Việt Nam phát biểu. “Làm sao chúng ta có thể sống sót trên một Trái Đất đã bị huỷ hoại?” Tuy nhiên, cô không hề mất đi niềm hy vọng, bởi vì cô tin rằng tất cả mọi người đều có khả năng đem lại thay đổi. Thay đổi không cần phải đến bằng những bước nhảy vọt, mà chỉ từng bước mỗi ngày đã có thể đem lại những phép màu nhiệm.
Theresa đã cố gắng truyền đạt niềm tin này qua những hoạt động tình nguyện của cô, như là việc tổ chức cuộc vận động bằng hình ảnh cho Ngày Trái Đất ở Việt Nam: Rằng mỗi người đều có thể thay đổi thế giới, và họ sẽ đang bảo vệ không chỉ là môi trường. “Sẽ thật là thiển cận nếu ta chỉ quan tâm đến việc cứu chữa những rặng san hô mà không nghĩ về vấn đề con người. Nhiều vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau, và vì thế khi quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên, chúng ta cũng cần phải thảo luận về việc giải quyết những thách thức trong xã hội như nạn đói nghèo.”
Dưới tư cách chuyên gia tình nguyện, cô muốn mọi người nhìn thấy được bức tranh tổng thể: sự phát triển bền vững, cả về môi trường, xã hội, và kinh tế. Trong những buổi tập huấn sinh động mà Theresa phối hợp tổ chức ở châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, cô đã tìm tòi những cách đi từ việc nâng cao nhận thức về bền vững đến việc khuyến khích con người thay đổi thói quen và hành động.
Cô đã đưa những kinh nghiệm thu được trong quá trình công tác trong vai trò Chuyên viên Truyền thông cho chương trình hành động về rừng và khí hậu UN-REDD vào những hoạt động tình nguyện của mình. Ví dụ, cô ủng hộ xây dựng những mối quan hệ hợp tác, và thử nghiệm một phương thức xây dựng tinh thần cảm thông và thấu hiểu trong một hội thảo truyền thông cho các tổ chức địa phương và quốc tế như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở Philippines: đó chính là phương thức “giao tiếp ôn hoà”, giúp con người đối xử với nhau một cách hoà bình và nhân ái.
“Mất đi lòng nhân ái, con người dễ đi đến mâu thuẫn và chiến tranh, và từ đó càng gây nguy hại đến tự nhiên” là lời của Theresa ngay sau khi trở về từ một hội thảo khác do cô tổ chức về quản lý truyền thông tiếp thị cho các tổ chức nhân đạo như Caritas Cộng hoà Séc ở Campuchia. “Vì thế, lòng nhân ái là đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cũng như con người.”