Chồng nói sẽ chặt đứt cổ em nếu dám bế hai con đi.
“Chồng nói sẽ chặt đứt cổ em nếu dám bế hai con đi.
Khi thằng bé thứ hai được 16 tháng tuổi, anh ấy đánh em một trận dã man. Đêm hôm trước, em phải để hai đứa con bị thuỷ đậu khóc quấy nằm nhà, đội mưa tìm anh ấy về giữa sới bạc. Chiều hôm sau, anh đùng đùng nổi nóng, lao ra đấm, tát, đạp em. Em gục tại sàn luôn. Mỗi lần em cố đứng dậy bỏ chạy thì anh ấy lại đạp cho gục xuống. Cứ thế em cũng bò được đến sân. Hàng xóm thấy la hét mới chạy sang can ngăn, dìu em đi bệnh viện.
Năm năm chúng em là vợ chồng, em đã uống thuốc tự tử một lần khi bầu đứa con gái thứ nhất, và dắt con đi trốn khi đang nghén thằng thứ hai. Nhưng lần nào họ hàng nội ngoại, kể cả bố mẹ đẻ, đều khuyên nhủ em bỏ qua. Họ nghĩ vợ chồng xích mích là bình thường, em cứ làm quá lên. Trước trận đánh đó một tháng, tụi em đã làm đơn ly hôn gửi ra toà, cuối cùng xã lại xuống “hoà giải”. Họ nói em nên nghĩ cho con, thanh danh gia đình mà cho chồng một cơ hội. Em cũng sợ ly hôn thì toà sẽ chia con, em không nỡ bỏ đứa nào lại nên đồng ý.
Em bị đa chấn thương, nằm liệt giường một tuần không dậy được. Thằng cu mới có 16 tháng thôi, nó không nhìn thấy cảnh mẹ bị đánh, nhưng một tuần đó nó nhất quyết không cho bố đụng vào nó, chỉ ngồi bên mẹ, ai bế cũng không đi. Còn con gái lớn khi đó 4 tuổi, đến tận bây giờ nó vẫn nhớ như in cảnh bố đánh mẹ.
Đấy là trận đòn cuối cùng em phải chịu. Em lên kế hoạch trốn vào Đak Lak. Giấy tờ tuỳ thân em gửi đi trước qua bưu điện cho bạn, rồi nhờ chị hàng xóm vờ sang nhà chơi mỗi ngày, tuồn đi từng tấm chăn cái áo, đợi lúc nhà chồng đi vắng. Cho đến một hôm họ đi ăn cỗ cưới hết, em biết đó là cơ hội duy nhất, không đi thì không còn lúc nào thoát nữa. Em vờ bế hai con ra chợ chơi. Chị hàng xóm nhét ba lô của em vào bao, chở ra điểm hẹn. Trong đó có sáu bộ quần áo và một album ảnh gia đình thời còn hạnh phúc, em muốn giữ làm kỷ niệm. Tất cả thực sự là một cuộc đào tẩu của ba mẹ con. Đến khi biết, nhà anh lùng sục, thuê cả xã hội đen tìm, doạ giết những người đã giúp em.
Em vẫn nhớ buổi trưa nắng, bế hai đứa bé còn đang sốt đùng đùng, tập tễnh xuống sân bay Buôn Ma Thuột. Túi em lúc đó chỉ có vài trăm nghìn, tiền vé máy bay còn phải nợ. Nhưng em thở phào, suy nghĩ đầu tiên khi đặt chân đến đây là “mình sống rồi, ba mẹ con có đường sống rồi”.
Em đi xin việc với tấm bằng kế toán và với vết bầm còn nguyên trên sống mũi. Ba năm sau đó em ở ẩn, cắt đứt liên lạc với người thân, tự làm lại từ con số không tròn trĩnh. Giờ em đã bắt đầu lo cho hai con đầy đủ, mua được bảo hiểm để tích luỹ cho chúng nó. Em vẫn nói con mình là bố rất thương tụi con, muốn vào thăm các con nhưng mẹ không cho vào vì hoàn cảnh. Em muốn chúng nó biết chúng nó được yêu thương, không ghét bỏ bố hay bất cứ ai. Con gái em nó chứng kiến hết mọi chuyện, nên nó rất tự lập, học cách sống nghị lực.
Em vẫn chưa ly hôn xong, chồng gần đây còn nhắn tin doạ dẫm. Nhưng em nói anh chị cứ chụp ảnh rõ mặt em đi, em muốn kể câu chuyện của mình.
Học khoá về bạo lực giới, em mới biết bạo lực gia đình không chỉ dừng ở đánh đập thể xác. Mình gọi tên được những đe doạ tinh thần kia. Giờ gặp những chị phụ nữ cùng hoàn cảnh, em biết mình cần phải làm gì, khuyên gì, và nhất định phải nói các chị ấy không được cam chịu.
Em sẽ nói họ trông rộng ra: họ có thể đi làm, phát triển sự nghiệp, nuôi con, có cuộc sống tốt hơn, chứ không cần dựa vào người đàn ông. Nhiều lúc em nghĩ nếu ngày đó mình nhẫn nhịn tiếp, có khi giờ đã xanh cỏ rồi cũng nên.
Thỉnh thoảng có người hỏi em đã có gia đình chưa, khi em nói có rồi và đã ly dị thì họ vội vàng xin lỗi. Em nói họ “xin lỗi gì, phải mừng cho em chứ, đấy là may mắn của em mà.”” - Mỹ Hà