Hội nghị công bố kết quả và tổng kết Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019
Bài phát biểu Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam
Kính thưa Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương,
Kính thưa Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương,
Kính thưa Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương,
Kính thưa các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương,
Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ,
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành,
Đại diện Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 các tỉnh, thành phố,
Các cơ quan truyền thông, các Đối tác phát triển và đồng nghiệp Liên Hợp Quốc,
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Tôi rất vinh dự khi có mặt ở đây ngày hôm nay tại Hội nghị rất quan trọng do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương tổ chức để phổ biến kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019 (TĐT 2019). Đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa bởi vì số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở là thực sự quí gía cho cho quốc gia. Những số liệu này được sử dụng để xây dựng và giám sát các chính sách, kế hoạch, chương trình và ngân sách ở cấp trung ương và địa phương. Rộng hơn nữa - đối với cộng đồng quốc tế - kết quả tổng điều sẽ sẽ giúp hiểu rõ hơn về những tiến bộ của Việt Nam cũng như các lĩnh vực cần quốc tế hỗ trợ, trong đó bao gồm việc hiện thực Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Tổng điều tra dân số và nhà ở là một nhiệm vụ vô cùng to lớn của thống kê quốc gia, được thực hiện mười năm một lần; do đó ngày hôm nay cả nước đang mong đợi để nghe nhưng con số tiếng biết nói từ Tổng điều tra. Chỉ một tuần nữa, chúng ta kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26 tháng 12) và TĐT dân số 2019 là một trong những thành tựu lớn nhất để kỷ niệm ngày này. Nhân cơ hội này, tôi xin chúc mừng tất cả các bạn vì sự thành công của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.
Tôi đến Việt Nam cách đây 3 tháng, vinh dự nhận một nhiệm vụ là Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Khi đó Việt Nam vừa công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. Tôi đã được biết về sáng kiến và quyết tâm của Tổng cục Thống kê (TCTK) khi áp dụng Công nghệ thông tin trong tất cả các công giai đoạn của TĐT, đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị điện tử để thu thập dữ liệu, đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu được thu thập, rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu, giảm sai sót do yếu tố con người và phổ biến sớm kết quả TĐT. UNFPA rất ấn tượng với những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này và chúng tôi rất vinh dự cùng tham gia vào cuộc cách mạng dữ liệu này.
Thật vậy, thành công của Tổng điều tra chính là sự cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm các nguồn lực lớn đã được huy động, những nỗ lực không mệt mỏi của Ban chỉ đạo TĐT các cấp, và gần 147 nghìn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên, nhưng quan trọng nhất là sự tham gia tích cực của người dân Việt Nam. Thành công của Tổng điều tra 2019 bổ sung thêm vào bảng thành tích về năng lực ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối và thực hiện Tổng điều tra Dân số và Nhà ở cũng như các cuộc điều tra dân số quy mô lớn khác.
Kính thưa các quý vị,
Như chúng ta đã được nghe bài trình bày của ông Nguyễn Bích Lâm về Kết quả TĐT, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở cung cấp các chỉ tiêu quan trọng về dân số và nhà ở, không chỉ mang lại cho chúng ta các số liệu tổng hợp về quy mô và cơ cấu dân số mà còn về các lĩnh vực khác của động thái dân số như mức sinh, mức chết, di cư, các lĩnh vực về giáo dục, việc làm, khuyết tật, và điều kiện nhà ở của hộ dân cư. Kết quả TĐT khẳng định chắc chắn rằng tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định ở dưới mức sinh thay thế, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ. Điều này một lần nữa cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số, chuyển từ dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Kết quả TĐT cho thấy Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi dân số trong dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chính sách cho thanh niên, tạo việc làm thỏa đáng, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền và bình đẳng giới. Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh rằng chuyển đổi nhân khẩu học, đặc biệt mức sinh giảm, chỉ ra rằng dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có, với chỉ số già hóa tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019. Do đó, trong khi tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng, Việt Nam cũng nên sẵn sàng giải quyết các thách thức của già hóa dân số. Tôi muốn nhấn mạnh hơn rằng tỷ trọng người cao tuổi lớn chưa hẳn đã là điều tiêu cực mà còn là cơ hội. Tăng tuổi thọ bình quân lúc sinh từ 75,6 lên 76,3 tuổi đối với nữ và từ 70,2 lên 71 tuổi đối với nam trong 10 năm qua là minh chứng cho những thành tựu của các chương trình phát triển xã hội và y tế của Việt Nam. Người cao tuổi, đặc biệt là những người mới bước vào nhóm đầu của người cao tuổi, tiếp tục là nguồn nhân lực quý giá, giàu kinh nghiệm và tháo vát, vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Quan trọng hơn nữa, người cao tuổi là tài sản văn hóa, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước. Xã hội già hóa cũng mang lại cơ hội phát triển một ngành kinh tế đáp ứng những nhu cầu của người cao tuổi như cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong ngành y tế và các ngành khác. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có nhiều cơ hội để mọi người, gồm cả người cao tuổi và người trẻ tiến lên, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết quả của Tổng điều tra cũng cho thấy những tiến bộ đáng kể của Việt Nam về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, với 95,4% các ca sinh được hỗ trợ bởi nhân viên y tế lành nghề. Tỷ lệ tử vong mẹ năm 2019 là 46 ca trong 100,000 ca sinh sống, giảm một phần ba so với năm 2009 (69 ca trong 100,000 ca sinh sống) đã chỉ ra rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu giảm tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Tuy nhiên, một thách thức vẫn chưa được cải thiện là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (SRB). Theo kết quả TĐT năm 2019, tỷ lệ giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái, vẫn cao hơn nhiều tỷ lệ sinh học tự nhiên ở mức khoảng 105 bé trai trên 100 bé gái. Sự mất cân bằng giới tính này có nhiều khả năng do sự lựa chọn giới tính thai nhi vì ưa thích con trai, vốn bắt nguồn sâu xa trong văn hóa truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ quan điểm bình đẳng giới và với hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính lên tình trạng hôn nhân và giảm thêm mức sinh, việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại. Như vậy, cần phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực quốc gia để thực hiện các khung chính sách và pháp lý hiện hành nhằm ngăn chặn việc lựa chọn giới tính và đẩy mạnh bình đẳng.
Kính thưa các quý vị,
UNFPA có lịch sử hợp tác lâu dài và thành công với TCTK trong việc thực hiện các cuộc TĐT Dân số và Nhà ở, bắt đầu từ cuộc Tổng điều tra đầu tiên vào năm 1979. Trong khuôn khổ Văn kiện Chương trình Quốc gia của UNFPA giai đoạn 2017-2021, UNFPA cam kết hỗ trợ Tổng cục Thống kê không chỉ thực hiện thành công Tổng điều tra dân số này mà còn hỗ trợ biên soạn và phổ biến kết quả Tổng điều tra cũng như đảm bảo sử dụng tốt số liệu TĐT phục vụ hoạch định chính sách và ra quyết định, theo đó chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt để tiến tới cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người.
Hôm nay, tôi cũng thực sự vui mừng thông báo triển lãm ảnh với tên gọi "Những câu chuyện cuộc đời" được khai mạc cùng với sự kiện phổ biến kết quả TĐT 2019. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các nhiếp ảnh gia đã đem lại những bức ảnh đẹp và những câu chuyện tuyệt vời đằng sau các số liệu của Tổng điều tra mà họ đã thu thập được từ 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các gia đình Việt Nam, những người đã tham gia dự án ảnh này và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của họ, những câu chuyện thực sự chạm đến trái tim chúng ta. Những câu chuyện trong triển lãm ảnh góp phần nâng cao hiểu biết của chúng ta về những vấn đề chính nằm sau số liệu TĐT, thực sự góp phần vào cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Xin chúc Hội nghị phổ biến kết quả Tổng điều tra thành công, và hơn thế nữa hướng tới một Việt Nam mà ở đó mọi lần mang thai là do mong muốn, mọi trẻ em được sinh ra an toàn và tiềm năng của mọi thanh niên đều được phát huy.
Xin chân thành cảm ơn.