Thông cáo báo chí

Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOT) 2019

17 tháng 5 2019

  • Hà Nội (Việt Nam), 17/5/2019 – Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng với các tổ chức trên khắp thế giới chào mừng Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHOT) 17 tháng 5 với chủ đề "Công lý và Bảo vệ cho Tất cả mọi người".

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Nguyên tắc giản dị nhưng mạnh mẽ này đã được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, một lý tưởng nhất quán quan trọng lần đầu tiên đặt ra các quyền con người phổ quát. Cam kết không phân biệt đối xử trong đó đã được các quốc gia trên toàn thế giới khẳng định lại trong nhiều công cụ nhân quyền quốc tế. Nó cũng là cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với tầm nhìn về một thế giới không còn phân biệt đối xử và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được cam kết này đòi hỏi việc giải quyết các hình thức phân biệt đối xử đa dạng và đa tầng mà ảnh hưởng đến đời sống của người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTI) và những người có bản dạng giới khác.

Ở Việt Nam, đã có những tiến bộ đáng khích lệ về vấn đề này. Trong Đánh giá định kỳ toàn cầu lần thứ hai năm 2014, Việt Nam cam kết ban hành luật chống phân biệt đối xử bảo đảm bình đẳng bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới, và Việt Nam đã thực hiện các bước pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ quyền con người của người LGBTI. Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi năm 2014 để xóa bỏ quy "định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính". Hơn nữa, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 đã đảm bảo người đồng tính và song tính nam và chuyển giới nữ được bảo vệ bằng cách mở rộng phạm vi của định nghĩa hiếp dâm. Hiện tại, Việt Nam cũng đang xem xét phương án tối ưu nhất trong việc đưa giáo dục giới tính toàn diện vào hệ thống giáo dục. Cuối cùng, Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2017, tạo ra cơ sở cho phép các cá nhân đăng ký công dân với giới tính mới.

Việc cho phép thay đổi giới tính pháp lý là rất quan trọng vì đăng ký dân sự là một yêu cầu chính để tiếp cận các dịch vụ cơ bản và đảm bảo quyền bình đẳng theo Hiến pháp Việt Nam. Nếu không có đăng ký dân sự khớp với biểu hiện giới, người chuyển giới có thể bị đặt câu hỏi mang tính xâm phạm, ngăn cản họ tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cần thiết. Ngoài ra, người chuyển giới phải đối mặt với những thách thức và phân biệt đối xử liên quan đến việc làm, nhà ở và di chuyển khi giới tính của họ trên thẻ căn cước không phản ánh bản dạng giới của họ. Mặc dù chưa có ước tính chính thức về số lượng người ở Việt Nam có bản dạng giới khác với giới tính được chỉ định khi sinh, nhưng dự kiến con số này lên tới vài trăm nghìn.

Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự là một bước vô cùng quan trọng, tuy nhiên sửa đổi mà không có hướng dẫn thi hành đầy đủ thì không thể tạo điều kiện cho việc thay đổi giới tính hợp pháp. Về vấn đề này, LHQ đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện những bước đầu nhằm xây dựng luật pháp cần thiết bao gồm việc tham vấn với cộng đồng và đối tác LGBTI.

Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng ban hành hướng dẫn thi hành về việc thay đổi giới tính pháp lý. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng không những những người chuyển giới tìm kiếm sự can thiệp y tế, mà cả những người không có mong muốn có can thiệp, cũng như những người liên giới tính tự nhận là người chuyển giới cũng được phép chuyển đổi giới tính pháp lý. Hơn nữa, các thủ tục thay đổi giới tính hợp pháp cần trân trọng nguyên tắc tự xác định giới. Điều này có nghĩa là cho phép người chuyển giới tự xác định hợp pháp bản dạng giới của mình mà không cần chẩn đoán y tế, phẫu thuật hoặc điều trị nội tiết. Điều này là cần thiết để tránh bệnh lý hóa (nghĩa là coi việc giới tính khi sinh không khớp với bản dạng giới là một căn bệnh cần được chữa), tạo ra một môi trường mang tính phân biệt đối xử và kỳ thị.

Thay mặt Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, ông Kamal Malhotra, nhấn mạnh lại rằng, "việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính là một phần xuyên suốt trong các Mục tiêu Phát triển bền vững và là chìa khóa để đảm bảo Không Ai Bị Bỏ Lại Phía Sau. Trao quyền cho cộng đồng LGBTI bằng cách ban hành luật theo tiêu chuẩn quốc tế để công nhận giới tính hợp pháp của họ và để đảm bảo công lý và sự an toàn cho họ, sẽ thúc đẩy những tiến bộ đáng nể sẵn có của Việt Nam về bình đẳng giới và công bằng cho người LGBTI." Bằng việc làm đó, ông Malhotra kết luận, "Việt Nam sẽ minh chứng, thông qua luật pháp và việc áp dụng luật trên thực tế, cam kết nghiêm túc của mình là không để ai bị bỏ lại phía sau theo Chương trình nghị sự 2030. Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này."

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

FAO
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc
IFAD
Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp
ILO
Tổ chức Lao động Quốc tế
IOM
Tổ chức Di cư Quốc tế
RCO
United Nations Resident Coordinator Office
UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc
UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc
UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
WHO
Tổ chức Y tế Thế giới

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này