Thông cáo báo chí

HÃY BẢO VỆ THẾ HỆ TRẺ TRƯỚC HIỂM HỌA MA TÚY

16 tháng 6 2018

  • Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2018 – Ngày 16 tháng 6 năm 2018, Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo các Bộ Công An, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Quốc phòng đã tham gia buổi mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy. Các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông và hàng trăm các chiến sĩ công an và sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có mặt tại buổi mít tinh.

Chủ đề của ngày Quốc tế phòng, chống ma túy năm nay là "Trước tiên hãy lắng nghe: Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là bước đầu tiên giúp các em trưởng thành khoẻ mạnh và an toàn". Phát biểu tại buổi lễ, Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi mọi người "hãy lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên với tình yêu và sự quan tâm, hãy cung cấp cho các em những kỹ năng và cơ hội, hãy mời các em cùng tham gia giải quyết vấn đề". Ông cũng bày tỏ mong muốn "chính phủ, các bộ ban nghành, cộng đồng, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các cơ quan truyền thông và toàn thể xã hội hãy tiếp tục làm tất cả những gì có thể để nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của ma túy và đồng thời tiếp tục giúp đỡ những người đã bị lệ thuộc vào ma túy". Ông cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng "những người lệ thuộc ma túy cũng là con người như chúng ta và chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng các phương pháp điều trị tự nguyện, dựa vào bằng chứng khoa học. Trừng phạt hay kì thị những người nghiện không phải là một giải pháp hữu hiệu".

Năm nay, tháng hành động phòng, chống ma túy có chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành liên quan để nâng cao nhận thức của người dân về lạm dụng ma túy, các tội phạm ma túy và những hiểm họa khôn lường do ma túy gây ra và kêu gọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy. Phát biểu tại buổi mít tinh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy luôn nhận được mối quan tâm đặc biệt của Đảng và chính phủ và cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan hữu quan và những biện pháp hữu hiệu. Phó thủ tướng cũng mong muốn mỗi bạn trẻ sẽ là một tuyên truyền viên về hiểm họa ma túy và hãy nói 'KHÔNG" với việc tàng trữ và sử dụng ma túy.

Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã hoàn toàn thống nhất với một văn bản hội nghị bao gồm hơn 100 khuyến nghị để thực hiện các chiến lược cân bằng, toàn diện và lồng ghép để có thể giải quyết một cách hiệu quả vấn đề ma túy toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có Mục tiêu số 3 là đảm bảo sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người và chỉ tiêu 3.5 là tăng cường công tác phòng, chống và điều trị nghiện chất, bao gồm cả ma túy và lạm dụng đồ uống có cồn.

Tại Việt Nam, các tổ chức Liên Hợp Quốc nói chung và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nói riêng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ xây dựng chính sách đến tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả về mặt y tế và phù hợp với luật pháp trong việc giải quyết những thách thức do lệ thuộc ma túy gây nên.

Để có thêm thông tin, xin liên hệ:

  • Bà Ngô Kiều Lan, Điều phối viên Dự án Quốc gia, UNODC | Tel: (+84) 24 38501851 | Email: lan.ngo@un.org
UNODC_Minh

Nguyen Nguyet Minh

UNODC
Cán bộ Phụ trách
Bà Nguyễn Nguyệt Minh hiện là Phụ trách Văn phòng quốc gia của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam. Kể từ năm 2012, bà phụ trách chương trình Tư pháp Hình sự của UNODC tại Việt Nam với mục tiêu tăng cường hệ thống tư pháp hình sự cho các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế bao gồm phụ nữ và trẻ em. Bà có hơn 17 năm kinh nghiệm làm việc tại tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ về các vấn đề phát triển. Trước khi làm việc tại UNODC, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012, bà là Điều phối viên chương trình và sau đó là Giám đốc quốc gia của tổ chức Oxfam-Québec. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007, bà là Cán bộ chương trình quốc gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECI) tại Việt Nam. Từ năm 2000 đến năm 2003, bà là cán bộ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh có bằng Thạc sỹ về Chính trị và Chính sách và Thạc sỹ về Nghiên cứu phát triển (tốt nghiệp loại xuất sắc) của Trường Đại học Katholieke Universiteit Leuven (Vương quốc Bỉ), Cử nhân Quan hệ quốc tế của Học viện Quan hệ Quốc tế và Cử nhân Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội (Việt Nam).

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

RCO
United Nations Resident Coordinator Office
UNODC
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma tuý và Tội phạm

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này