Thông cáo báo chí

Bài Phát biểu của Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tại Hội thảo khởi động Hoạt động hợp tác mới giữa UNFPA và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

15 tháng 12 2017

  • Sự kiện: Hội thảo khởi động Hoạt động hợp tác mới giữa UNFPA và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Địa điểm: Khách sạn Fortuna, 6b Láng Hạ, Hà nội

 

Kính thưa:

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;

Bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan;

Các đại biểu đại diện cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ ngành chủ quản khác;

Đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), KOICA, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các đồng nghiệp Liên hợp quốc và các cơ quan thông tấn báo chí;

Kính thưa các quí vị đại biểu.

Tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây ngày hôm nay cùng với quý vị tham dự buổi lễ khởi động dự án "hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai pháp luật, chính sách, chương trình và dịch vụ liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, giải quyết vấn đề mại dâm dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận quyền con người". Đây là một dự án được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Hội Nông dân Việt Nam đồng thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác và cam kết của lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, đặc biệt là lãnh đạo và các chuyên viên công tác tại Vụ Bình đẳng giới đã nỗ lực và thực hiện phối hợp một cách hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan đồng thực hiện dự án - Bộ VH-TT-DL và Hội Nông dân Việt Nam - trong suốt quá trình xây dựng Dự thảo và văn kiện dự án. Tôi cũng xin nhân cơ hội này chuyển lời cảm ơn tới Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã thực hiện tài trợ cho dự án quan trọng này. Chúng tôi mong muốn sẽ được hợp tác chặt chẽ với tất cả các quý vị trong suốt quá trình thực hiện dự án nhằm góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đồng thời đảm bảo rằng "không một ai bị bỏ lại phía sau".

Kính thưa các vị khách quý.

Tất cả mọi người đều có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực. Đây là một quyền cơ bản được thừa nhận trong luật Nhân quyền Quốc tế. Tuy nhiên bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn đang là một vấn nạn diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng bạo lực đang diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bạo lực gây ra những tác động tới phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi, ở mọi mức thu nhập. Bạo lực diễn ra ở tất cả các chủng tộc, tất cả các tôn giáo và nền văn hóa. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng phần lớn các trường hợp bạo lực thường không được trình báo và chưa được biết đến một cách rộng rãi. Nạn nhân sau khi bị bạo lực thường im lặng gánh chịu những tổn thương và sống một cuộc sống đau khổ và vô hình.

Trên phạm vi toàn cầu, cứ ba phụ nữ thì có một người đã từng là nạn nhân của bạo lực do nam giới gây ra. Thông thường những người gây ra tình trạng bạo lưc này thường là những người thân hoặc gần gũi với nạn nhân như: cha, chồng, bạn trai, chú bác, người quản lý hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc vv.

Rất nhiều người dân Việt Nam hiện đã quen thuộc với cuộc Điều tra Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ. Kết quả của cuộc điều tra này cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần do những người thân hoặc gần gũi với mình gây ra. Tuy nhiên 87% các nạn nhân của bạo lưc không trình báo hay tìm kiếm sự giúp đỡ do chúng ta chưa xây dựng và thực hiện được việc cung cấp các dịch vụ có liên quan. Nhiều nạn nhân không dám lên tiếng do sợ hãi phải gánh chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị quấy rối nhiều hơn sau khi lên tiếng.

Trong khuôn khổ của dự án này, UNFPA sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê thực hiện việc thu thập và cập nhật các dữ liệu quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Số liệu từ cuộc điều tra quốc gia này sẽ cung cấp các bằng chứng quan trọng nhằm giúp chúng ta xây dựng được các hoạt động ứng phó thích hợp nhằm góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực nhằm giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái – đây là một nền móng thuận lợi cho các hoạt động của chúng ta. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều công việc chúng ta cần thực hiện nhằm củng cố việc thực thi các chính sách một cách hiệu quả để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cho phép tôi nhấn mạnh với quí vị một số vấn đề quan trọng mà chúng ta cần tập trung giải quyết:

Trước hết chúng ta cần cải thiện hệ thống luật pháp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới/bạo lực gia đình, giải quyết các vấn đề mại dâm trên cơ sở quyền con người nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013, các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai chúng ta cần xây dựng tiêu chuẩn cho các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới đảm bảo tính dễ tiếp cận và sẵn có nhằm tăng cường xã hội hoá trong cung cấp dịch vụ cho nạn nhân và người gây bạo lực giới.

Thứ ba, thực hiện điều tra về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp bằng chứng cho vận động chính sách, chương trình và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành.

Thứ tư, Xây dựng cơ sở dữ liệu về bạo lực giới làm căn cứ giúp các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, chương trình can thiệp, giám sát công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, thay đổi nhận thức và hành vi của những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về bạo lực giới, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai thông qua các chiến dịch truyền thông, vận động chính sách và thay đổi hành vi.

Kính thưa các quí vị đại biểu.

Tôi đánh giá cao sự hợp tác và những cam kết của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm vừa qua. Với những bằng chứng và những thành tựu được kế thừa từ giai đoạn trước, tôi hy vọng dự án này sẽ tiếp tục tập trung giải quyết những thách thức trong việc phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực giới/bạo lực gia đình để có thể góp phần xây dựng một quốc gia thịnh vượng, bền vững và an toàn cho mọi người dân Việt Nam.

Xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị. Xin chúc quí vị dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này