Thông cáo báo chí

Việt Nam thúc đẩy giáo dục STEM vì sự phát triển bền vững

31 tháng 3 2017

  • Hà Nội, 27-31 tháng 3 năm 2017 – Việt Nam chủ trì hội thảo cấp quốc gia về Chương trình Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) năm 2015 do Viện Giáo dục Quốc tế UNESCO (IBE-UNESCO) và Chính phủ Malaysia đồng khởi xướng. Sự kiện đã làm rõ vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong chính sách, chương trình và phương pháp sư phạm, đồng thời thúc đẩy hợp tác Nam – Nam trong lĩnh vực giáo dục STEM cho trẻ em gái.

Giáo dục STEM là trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững, nhất là phát triển ý thức công dân. Sự tham gia của phụ nữ vào khoa học và công nghệ không những thúc đẩy sự sáng tạo, mà còn tăng cường sự tham gia xã hội cũng như các hoạt động nội trợ của họ.

Mặc dù tỷ lệ nhập học của sinh viên nữ ở bậc đại học của Việt Nam tăng từ 30,29% lên 52,49% từ năm học 2012-2013 đến năm học 2013-2014, nhưng sinh viên nữ vẫn thường chú trọng nhiều đến ngành sư phạm, xã hội nhân văn và nghệ thuật, trong khi đó sinh viên nam thường có xu hướng theo học các ngành về kỹ thuật, sản xuất và xây dựng.

Chương trình Tăng cường giáo dục STEM cho trẻ em gái khu vực Châu Phi và Châu Á – Thái Bình Dương hiện đang được các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp triển khai giai đoạn đầu tại Việt Nam. Được khởi xướng năm 2016, chương trình nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc phát triển giáo dục STEM đáp ứng giới dựa trên kinh nghiệm của Malaysia cũng như những thực tiễn tốt nhất trong việc lồng ghép giáo dục STEM đáp ứng giới vào các tài nguyên giáo dục, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để Việt Nam lồng ghép giáo dục STEM đáp ứng giới.

Hội thảo quy tụ các diễn giả và đại biểu cùng tham dự các phiên thảo luận bàn tròn, cùng với thảo luận chuyên gia gồm các nhà lãnh đạo, chuyên viên cao cấp của Bộ GD&ĐT; đối tác, nhà tài trợ; chuyên gia đánh giá, chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục và tài liệu dạy và học. Các phiên thảo luận đã tạo nên một tầm nhìn chung giữa các chủ thể hữu quan về việc lồng ghép STEM vào thực tiễn sư phạm, đồng thời tạo cơ hội để huy động nguồn lực và thiết lập mối quan hệ đối tác.

Bằng việc sử dụng Công cụ tập huấn để xây dựng chương trình: Tài liệu nguồn để giáo dục STEM đáp ứng giới, do các chuyên gia của Malaysia và IBE-UNESCO xây dựng, các đại biểu đã cùng thống nhất phải tiến hành điều tra cấp quốc gia về giáo dục STEM; xây dựng chiến lược, chính sách và chương trình hành động quốc gia; phát triển chương trình và tài liệu giáo dục có tích hợp STEM từ bậc mầm non đến đại học và nghề nghiệp; đồng thời nghiên cứu và xây dựng mô hình giáo dục STEM nhằm thúc đẩy phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo và các cơ sở giáo dục.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động văn hóa, kinh tế - xã hội đã trở thành chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam.” Thứ trưởng Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện hội thảo là dịp để học hỏi kinh nghiệp giáo dục STEM ở Malaysia, “một đất nước gần gũi và thân thiện có điều kiện tương tự như ở Việt Nam.”

GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGDVN, đã lên tiếng ủng hộ từ phía Viện, cơ quan nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, trong việc tích hợp giáo dục STEM cho trẻ em gái bằng việc tranh thủ các mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Viện với các tổ chức quốc tế, các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khác. Ngoài ra, GS. Phong còn nêu bật sự tiến bộ của Việt Nam với việc khởi xướng và triển khai “chương trình giáo dục STEM thí điểm tại 14 cơ sở giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông” trong năm học 2016-2017.

Hưởng ứng tinh thần đó, ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO, nhấn mạnh, “Với việc thế giới ngày nay đòi hỏi phải có thêm các chuyên gia về STEM để tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức toàn cầu, hiện nay nhận thức của xã hội đang ngày một gia tăng về tầm quan trọng của việc thu hút thêm phụ nữ và trẻ em gái vào các lĩnh vực STEM.” Đồng thời, ông thừa nhận rằng: “Giáo dục có tác động to lớn, nhất là trong các chính sách và chương trình nhạy cảm giới, đào tạo và tuyển dụng giáo viên, cũng như trong việc đảm bảo rằng hệ thống học liệu không chứa đựng các khuôn mẫu giới.”

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO tại địa chỉ email:   t.matsumoto@unesco.org

 

Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này