“Thu nhập hàng tháng của em chỉ vừa đủ để chi cho các nhu cầu sinh hoạt. Chi phí điều trị nhiễm trùng qua đường tình dục này em vẫn chưa có đủ,” Trung (tên nhân vật đã được thay đổi), một người mại dâm nam trong độ tuổi 20, chia sẻ.
Không dám bộc lộ cho cha mẹ biết mình là người đồng tính nam, Trung bỏ học khi hết năm cuối trung học cơ sở và rời khỏi thành phố quê hương cách đây 6 năm. Trung xin làm việc ban ngày ở một quán cà phê và đi khách vào buổi tối. Dù vậy, thu nhập của Trung chỉ đủ để chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như điện, nước, thực phẩm, xăng xe, tiền trọ. Hầu như Trung không có tiền dư để tiết kiệm.
Năm 2019, Trung phát hiện mình bị sùi mào gà và đã đi khám bác sỹ. Không ngờ, cùng lúc đó Trung cũng được tin cha ở nhà bị bệnh phải nằm viện, và sau khi gửi tiền về giúp đỡ thêm gia đình, Trung không còn đủ để chi trả cho việc điều trị nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) của bản thân. “Em sợ gặp phải sự lạnh nhạt, kỳ thị khi đến bệnh viện công nữa. Nhưng em không đủ tiền để điều trị ở các phòng khám hay bệnh viện tư.”
Tình trạng túng thiếu và nỗi sợ bị kỳ thị khiến Trung đến giờ vẫn chưa điều trị được dứt điểm nhiễm trùng qua đường tình dục của mình. Trung kể: “Em đã giảm số lần đi khách và luôn sử dụng bao cao su và chất bôi trơn để đỡ đau và bệnh đỡ nặng thêm nhưng em vẫn bị đau.”
Trung cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thu nhập từ việc đi khách giảm còn hai phần ba so với trước dịch. Trung khó khăn hơn rất nhiều để có thể kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống của bản thân.
Mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người bán dâm ở Việt Nam (VNSW) biết đến tình trạng của Trung trong một lần xuống địa bàn làm việc với nhóm tự lực của người nam bán dâm nơi Trung tham gia sinh hoạt. Trung đã được nhận gói hỗ trợ nhu yếu phẩm do mạng lưới VNSW phối hợp với UNAIDS* cung cấp. Để giúp Trung được điều trị nhiễm trùng lây qua đường tình dục, mạng lưới VNSW cũng kết nối Trung với phòng khám “Nhà mình” – một phòng khám tư thân thiện với cộng đồng tại tp. Hồ Chí Minh, do văn phòng phía Nam của Mạng lưới người sống với HIV ở Việt Nam (VNP+) điều hành. Trung cũng được hỗ trợ điều trị từ gói dịch vụ y tế/HIV/STI miễn phí và thân thiện với cộng đồng do UNAIDS** phối hợp với phòng khám “Nhà mình” cung cấp.
Để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, bắt đầu từ tháng 9 năm 2020, UNAIDS cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp dịch vụ y tế/HIV/STI cho các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV thông qua hai phòng khám thân thiện với cộng đồng tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Gói hỗ trợ y tế khẩn cấp bao gồm khám sức khỏe và xét nghiệm máu tổng quát, sàng lọc viêm gan vi-rút và tiêm phòng viêm gan B nếu cần, sàng lọc và điều trị các nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs), và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP). Thông qua nỗ lực phối hợp của các nhóm và mạng lưới cộng đồng để phát hiện và hỗ trợ những người như Trung, sau hai tháng hoạt động, gói hỗ trợ y tế khẩn cấp đã giúp được cho hơn 300 người trong các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không phải chịu gánh nặng về chi phí.
“Những bạn nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi tham gia bán dâm thường bị kỳ thị kép vì vừa là MSM vừa bán dâm,” anh Nguyễn Minh Thuận, thành viên Ban điều hành Mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người lao động tình dục (VNSW) và là một người MSM cho biết. “Các tổ chức cộng đồng chính là nơi được tin tưởng để tiếp cận các bạn MSM trẻ này cũng như những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV khác, giúp các bạn vượt qua kỳ thị, kết nối các bạn tới những dịch vụ y tế/HIV/STI thân thiện và trợ giúp xã hội cho các bạn cần được giúp đỡ. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19.”
Sự đoàn kết, chung tay của cộng đồng rất quan trọng để đảm bảo những thành viên cộng đồng như Trug được chăm sóc y tế. Trong bối cảnh đồng thời phải chịu tác động của hai dịch bệnh HIV và COVID-19, chỉ có đoàn kết và cùng chia sẻ trách nhiệm mới có thể thực hiện được tiếp cận phổ cập về chăm sóc y tế. Những loại thuốc, vắc-xin và thiết bị, sinh phẩm giúp cứu người cần phải sẵn có để phục vụ lợi ích chung của xã hội. Ngày Thế giới phòng, chống AIDS hôm nay, tất cả chúng ta hãy cùng lên tiếng kêu gọi, yêu cầu người dân phải được đặt ở trung tâm của đáp ứng với HIV và COVID-19, kêu gọi sự tham gia và củng cố hơn nữa các tổ chức cộng đồng để góp phần xây dựng các xã hội lành mạnh hơn.
(*), (**): Gói hỗ trợ nhu yếu phẩm và dịch vụ y tế khẩn cấp của UNAIDS được Quỹ hỗ trợ đáp ứng với COVID-19 của Liên Hợp Quốc tài trợ.