Thực hành tốt về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng thi hành pháp luật khu vực Đông Nam Á
Cán bộ nam trong cơ quan thực thi pháp luật ở Đông Nam Á chiếm phần lớn so với nữ giới. UNODC làm việc thể hiện tốt hơn sự đa dạng về giới trong lĩnh vực này.
Bangkok (Thái Lan) và Hà Nội (Việt Nam), ngày 29 tháng 9 năm 2021 – Tỉ lệ nam giới làm việc cho các cơ quan thực thi pháp luật ở Đông Nam Á vẫn chiếm phần lớn so với nữ giới. Báo cáo của UNODC, UN Women và Interpol công bố vào năm 2020 cho thấy phụ nữ chỉ chiếm từ 6% đến 20% trong tổng số cán bộ thực thi pháp luật trong khu vực. Tỉ lệ này còn cách biệt lớn so với các tiêu chuẩn về đóng góp cân bằng giữa nam và nữ. UNODC và các đối tác đã và đang khuyến khích lực lượng cảnh sát tại các quốc gia Đông Nam Á thể hiện tốt hơn sự đa dạng tương ứng với cộng đồng mà họ phục vụ.
Mặc dù có những đóng góp quan trọng, phụ nữ vẫn đang gặp phải những rào cản tham gia một cách thực chất trong lực lượng cảnh sát ở Đông Nam Á. Bà Tạ Thị Bích Liên, Cán bộ Chương trình UNODC, cho rằng điều này là do quan điểm truyền thống về vai trò giới: “Các khuôn mẫu định kiến ngăn cản phụ nữ theo đuổi công việc trong lĩnh vực thực thi pháp luật vì đó được coi là nghề nghiệp nguy hiểm và khó khăn. Chính điều này hạn chế cơ hội việc làm của phụ nữ trong lĩnh vực thực thi pháp luật”.
Sự bất bình đẳng đáng kể cũng tồn tại giữa cán bộ nam và nữ ở trong ngành. Phụ nữ thường chỉ được bố trí vào các vị trí hành chính thay vì giữ vai trò ra quyết định hoặc làm việc ở tuyến đầu. Theo bà Valentina Pancieri, Điều phối viên Chương trình Khu vực của UNODC và là một cựu sĩ quan cảnh sát, “Bình đẳng không phải chỉ là đạt được cân bằng giới. Phụ nữ cần được đại diện thích đáng ở mọi cấp bậc trong lực lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của mọi người."
Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực thực thi pháp luật giúp cải thiện khả năng phục vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát. UNODC nhận thấy rằng các cơ quan có đội ngũ nhân sự với tỷ lệ đại diện của phụ nữ tốt hơn thường đạt được mức độ tin cậy cao hơn từ cộng đồng dân cư mà họ phục vụ. Ông Felipe De La Torre, Điều phối viên Chương trình Khu vực của UNODC, nhận xét: “Việc phân công cán bộ xử lý ban đầu là nữ có lợi thế hơn trong một số vụ án, đặc biệt là khi đó sẽ là người tiếp xúc với nạn nhân nữ bị mua bán, bạo lực gia đình và bạo lực tình dục. Những người này cảm thấy dễ dàng nói chuyện với cán bộ có cùng giới tính với họ. UNODC đang tiếp tục phối hợp với các đối tác để hỗ trợ các cán bộ nữ và khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công lý”.
Nhận thức được tầm quan trọng của điều này, UNODC ưu tiên thực hiện bình đẳng giới trong chính các chương trình và hệ thống tổ chức của mình. Chương trình Quản lý Biên giới Đông Nam Á có đội ngũ nhân sự đảm bảo cân bằng giới. Ở Thái Lan và Việt Nam, các Cán bộ Chương trình - bà Suchaya Mokkhasen và bà Liên - là những ví dụ tốt truyền cảm hứng đến các đối tác Chính phủ và các cơ quan khác của Liên hợp quốc. Theo Đại úy Tạ Việt Dương, Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam (Học viện CSND), “Tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong cơ cấu nhân sự UNODC được Học viện CSND đánh giá rất cao và đóng vai trò quan trọng khích lệ bình đẳng giới trong ngành Cảnh sát”.
Mặc dù bà Liên và bà Mokkhasen được các đối tác tiếp nhận một cách nồng hậu, nhưng đồng thời họ cũng nhận thấy rằng phụ nữ vẫn có xu hướng bị đối xử khác biệt trong lĩnh vực thực thi pháp luật. Hai người thường xuyên đi đến các cửa khẩu biên giới xa xôi, nơi hầu như chỉ có các cán bộ nam giới làm việc. Bà Mokkhasen nhận thấy “Mọi người thường nghĩ rằng là một phụ nữ, tôi “không nên” đến những vùng xa xôi hẻo lánh. Các cán bộ thực thi pháp luật thường rất ngạc nhiên khi tôi theo chân họ đi trên những bờ sông lầy lội. Nhưng tôi vẫn làm như vậy và điều đó chứng tỏ rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm việc ở các khu vực tuyến đầu cùng với nam giới ”.
Bà Liên và bà Mokkhasen cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau tại nơi làm việc. Bằng cách bồi dưỡng, chia sẻ kiến thức với nhân viên cấp dưới, các nữ cán bộ cấp cao góp phần giúp các cơ quan thực thi pháp luật trở nên hòa nhập hơn. Thiếu tá Mạc Xuân Hương, Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái: “Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã khao khát được tham gia vào ngành cảnh sát. Giờ đây, với tư cách là một giảng viên, tôi chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng của mình với thế hệ cán bộ mới, cả nam và nữ, góp phần vào nỗ lực ngăn chặn tội phạm mua bán người và xâm hại tình dục ”.
Những thực hành tốt của các cán bộ nữ đi trước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc động viên, khuyến khích các nữ cán bộ trẻ khi bắt đầu sự nghiệp. Khi bà Mokkhasen bắt đầu sự nghiệp của mình tại Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan, trước khi chuyển sang UNODC, hầu như không có phụ nữ ở các vị trí quản lý hoặc ở cấp độ ra quyết định: “Đối với phụ nữ trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp thực thi pháp luật, họ sẽ không tiếp tục con đường đó nếu như không nhìn thấy được tiềm năng thăng tiến. Hãy giữ tinh thần lạc quan và sự tự tin, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt”.