Đó là đôi mắt của chị Hiền (không phải tên thật) - một phụ nữ bán dâm ngoài 30 tuổi, sống cùng chồng và hai con nhỏ.
Gia đình chị Hiền chuyển từ tỉnh Kiên Giang ra TP.HCM lập nghiệp cách đây 8 năm. Làm việc trong một quán karaoke và bán dâm, thu nhập của chị Hiền cao hơn nhiều so với thu nhập của chồng chị - người thỉnh thoảng làm một vài công việc thời vụ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Để có thêm khách, hàng ngày chị rời nhà tới quán karaoke từ sáng sớm và làm việc đến tối muộn. Vì vậy chồng chị gánh trách nhiệm chăm sóc con cái ở nhà. Buổi chiều, anh thường nhậu nhẹt và tụ tập với bạn bè ở những quán nhậu ven đường.
Khi COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam vào năm 2021, tất cả các cơ sở giải trí ở tp. HCM đều phải đóng cửa. Chị Hiền mất đi nguồn thu nhập. Số tiền tiết kiệm ít ỏi của họ đã được sử dụng hết. Từ khi bắt đầu giãn cách xã hội, chứng nghiện bia rượu của chồng chị trở nên trầm trọng, lại thêm căng thẳng do gia đình mất thu nhập nên chồng chị đã bắt đầu đánh đập chị và các con.
“Vì tôi không có tiền cho anh ta mua rượu nên anh ta đã xô, đấm, tát tôi”. Chị Hiền kể, “Anh ta mắng chửi và xúc phạm tôi là đĩ. Tôi phải giữ im lặng vì không muốn con biết công việc của tôi”.
Bạo lực gia tăng mỗi khi chồng chị kiếm được rượu, thường là vào các buổi chiều. Sợ hãi bị bạo hành, chị Hiền thường lang thang ngoài hẻm và kiếm hàng xóm ngồi cùng để trốn tránh chồng. Tuy vậy, đến tối đêm, các hành vi bạo lực của chồng chị vẫn tiếp diễn sau cánh cửa.
Bạo lực gia đình tăng đột biến trong đại dịch Covid-19. Thủ phạm bạo lực giới và bạo lực tình dục phần lớn là người quen, bao gồm chồng/bạn tình của nạn nhân. Câu chuyện của chị Hiền được một thành viên của nhóm tự lực thuộc Mạng lưới hỗ trợ các nhóm tự lực của người bán dâm tại Việt Nam (VNSW) tiết lộ. Thành viên này đã phát hiện thấy đôi mắt bị thương của chị Hiền khi tới phát gói nhu yếu phẩm khẩn cấp do UNAIDS hỗ trợ trong thời gian cách ly theo Chỉ thị 16 do COVID-19.
Vì lo lắng sẽ không có ai chăm sóc hai con nhỏ khi hết dịch quay lại làm việc toàn thời gian nên chị Hiền đã cam chịu bạo lực gia đình trong suốt 04 tháng cách ly xã hội ở tp. HCM. Quan trọng hơn, chị đã không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu và như thế nào.
Chị Đỗ Thụy An My, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới VNSW cho biết: “Trong đại dịch Covid-19, phụ nữ mại dâm dễ trở thành mục tiêu của bạo lực trong thời gian cách ly kéo dài ở nhà do căng thẳng kèm theo mất việc, mất thu nhập. Các dịch vụ hỗ trợ thân thiện, đáng tin cậy dành cho nạn nhân bạo lực gia đình cần được lồng ghép trong các ứng phó khẩn cấp đáp ứng với COVID-19. Các dịch vụ y tế và xã hội cần đảm bảo bao trùm, thân thiện và dễ tiếp cận, không kỳ thị và không phân biệt đối xử”.
Nhiều người bán dâm như chị Hiền đang phải sống lặng lẽ, cam chịu trong bóng tối của bạo lực. Sự tự kỳ thị của những người bán dâm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tự tìm kiếm sự giúp đỡ của họ.
Nỗ lực chung của các bên cần phải giúp tạo dựng được mạng lưới bảo vệ an toàn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Các cơ quan Chính phủ đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái có thể tiếp cận tới các dịch vụ y tế và xã hội, trợ giúp chỗ ở, trợ giúp pháp lý và bảo vệ khỏi bạo lực. Cộng đồng cần được thúc đẩy và cung cấp nguồn lực để hỗ trợ kịp thời và thân thiện cho những người cần được giúp đỡ, nhằm ứng phó với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác nhau. Mọi nỗ lực đều quan trọng để có thể chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới.
Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết cần được giúp đỡ để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hãy gọi đến số <094 140 9119> để báo cáo. Mọi thông tin sẽ hoàn toàn được bảo mật.
Tài liệu tham khảo:
UNAIDS (2020). Sáu biện pháp cụ thể để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả sự đa dạng của họ trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Có tại: https://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/women-girls-covid19_en.pdf
WHO (2002).
Báo cáo thế giới về bạo lực và sức khỏe. Có tại:
http://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/42495/9241545615_eng.pdf;jsessionid=53B91BBF0185D8675E49A057DC5C45FC?sequence=1