Thanh niên Việt Nam tổ chức các dự án sáng tạo để vận động cho một không gian mạng an toàn và bình đẳng
Việc chấm dứt bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái cần có sự tham gia hành động của tất cả các thế hệ, bao gồm thanh niên.
Hà Nội, Việt Nam – Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) và CED Link, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã hỗ trợ cho 71 nhà lãnh đạo thanh niên là những người sáng tạo nội dung và tạo ra sự thay đổi trên khắp Việt Nam để xây dựng các dự án truyền thông xã hội sáng tạo với mục đích tăng cường sự tham gia tích cực vào lĩnh vực số và chống lại các mối nguy hại trên không gian mạng. Trong vòng ba tháng, các dự án đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc, nhận được 4,9 triệu lượt xem, 19.100 bình luận và 4.382 lượt chia sẻ trên tất cả các nền tảng mạng xã hội lớn và phổ biến tại Việt Nam.
Vào tháng 10 năm 2021, nhà sáng tạo nội dung 22 tuổi Lý Tú Nhã và các nhà lãnh đạo thanh niên khác đã tham gia vào khóa đào tạo trực tuyến do UN Women, CSDS và CED Link tổ chức tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Khóa đào tạo giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết của các học viên trẻ về bình đẳng giới, an ninh mạng và môi trường mạng xã hội hiện nay ở Việt Nam. Khóa đào tạo cũng đã nâng cao kỹ năng của các học viên về huy động tiềm năng của mạng xã hội để thu hút sự tham gia của thanh niên và những người sử dụng Internet khác nhằm chống lại các mối nguy hại trên môi trường mạng, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới.
Sau khóa đào tạo kéo dài 1 tuần, Nhã và các bạn đã xây dựng một dự án mạng xã hội nhằm chống lại vấn đề bạo lực tình dục trực tuyến và bắt nạt trên mạng nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UN Women. Riêng trong tháng 11 năm 2021, dự án “HOPE” của các em đã tiếp cận tới hơn 300.000 người thông qua việc phổ biến các video, áp phích, bảng thông tin số cũng như các phương tiện truyền thông khác.
Bạo lực trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái thường do những cảm nghĩ mang tính định kiến và thù ghét thúc đẩy. Theo một nghiên cứu do Chương trình Internet & Xã hội Việt Nam thực hiện, 78% trong số 1.000 người được phỏng vấn cho biết họ đã từng trải qua hoặc biết về tình trạng sử dụng ngôn từ kích động thù ghét trên mạng xã hội ở Việt Nam.[1] Đây được cho là một vấn đề lâu dài tiềm ẩn đối với những người sử dụng Internet, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, có khả năng gây phân cực và làm giảm sự gắn kết xã hội.
“Em từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục trực tuyến và miệt thị ngoại hình (body shaming) vài năm trước. Do đó, em hiểu mức độ gây hại của những hành vi này đối với nạn nhân. Ngay cả khi đó chỉ là những từ ngữ, tổn thương chúng gây ra sẽ tồn tại vĩnh viễn.”, Nhã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Văn phòng UN Women Việt Nam vào tháng 12/2021.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1 năm 2021, số lượng người sử dụng Internet đã đạt mức 69 triệu người, chiếm gần 72% dân số Việt Nam.[2] Vì việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên quan đến đại dịch, người dân ở nhà và dành nhiều thời gian trên Internet hơn bao giờ hết. Điều này khiến an toàn và an ninh trên không gian mạng trở thành một vấn đề cấp bách. Xét đến tốc độ số hóa nhanh chóng ở Đông Nam Á, các nền tảng số đang ngày càng trở thành nơi diễn ra các xung đột mới trong khu vực.[3]
“Sự lan truyền của những thông tin sai lệch và ngôn từ thù ghét đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số làm phá vỡ cấu trúc xã hội. Chúng tôi thấy được nhiều cơ hội trong việc chống lại các hành vi bạo lực và thúc đẩy sự tham gia của người dân thông qua việc họ tích cực tham gia vào lĩnh vực số”, Gaelle Demolis, Quyền Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết tại thời điểm phỏng vấn.
Đối với người khuyết tật, Internet và các nền tảng kỹ thuật số là những công cụ quan trọng để họ có cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân. Những công cụ này là nguồn thông tin có giá trị và có thể góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận. Tuy nhiên, chúng cũng mang lại những rủi ro đối với người khuyết tật, bao gồm ngôn từ kích động thù ghét tình trạng khuyết tật, bạo lực tình dục cũng như các cuộc tấn công mạng và tội phạm mạng khác mà họ phải tiếp xúc.
Nguyễn Mạnh Cường, một doanh nhân 27 tuổi, chủ nhiệm Câu lạc bộ người Điếc tỉnh Đắk Lắk, cũng tham gia khóa tập huấn này. Cùng với sáu người khuyết tật khác tham gia khóa đào tạo vào tháng 10 năm 2021, Cường đã dẫn dắt một chiến dịch mang tên “Đôi bàn tay nói,” gồm một loạt video clip trên Facebook. Chiến dịch này nhằm mục đích chống lại ngôn từ thù ghét đối với người khuyết tật, đồng thời hướng dẫn cho các bạn bè cùng trang lứa của em biết cách tự bảo vệ mình trên các nền tảng số.
“Khóa đào tạo này rất hữu ích. Em sẽ tiếp tục chia sẻ những kiến thức và kỹ năng đã học được với các bạn trong câu lạc bộ để chúng em có thể tự bảo vệ bản thân và đảm bảo an toàn trên nền tảng trực tuyến. Những đứa trẻ điếc sẽ học được cách tránh những mối đe dọa và những cú sốc tâm lý mà em đã từng phải đối mặt khi còn nhỏ.”, Cường cho biết.
Giới thiệu về UN Women và An ninh mạng
Kể từ năm 2021, UN Women đã tiên phong triển khai một dự án mới về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh mạng với mong muốn nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh mới nổi được truyền bá qua các nền tảng số và hoạt động tương tác trực tuyến. Chúng ta cần phải hiểu cách thức các nền tảng số ngày càng bị lợi dụng để thúc đẩy xung đột và kích động bạo lực, đồng thời cần tăng cường năng lực của tất cả mọi giới nhằm thúc đẩy hòa bình và sự tham gia lĩnh vực số một cách tích cực và toàn diện. Khóa đào tạo này tại Việt Nam là một trong những sáng kiến đầu tiên nhằm tăng cường năng lực của thanh niên ở Đông Nam Á về an ninh mạng có trách nhiệm giới. Các hoạt động tương tự cũng đã và đang được triển khai ở Philippines.
[1] NGÔN TỪ THÙ GHÉT VÀ CÁC GIẢI PHÁP HƯỚNG TỚI MÔI TRƯỜNG MẠNG XÃ HỘI AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG
[2] Sử dụng Internet tại Việt Nam – số liệu & thực tế
[3] Xung đột bạo lực, Công ty công nghệ, và mạng xã hội ở Đông Nam Á