Điện Biên một tỉnh miền núi Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều người dân tộc Thái, trong đó có Lò Văn Huy*[1]. Huy là con trai duy nhất trong gia đình và cũng là cháu trai cả của dòng họ.
Khi Huy học cấp 3 gia đình bắt đầu nghi ngờ về xu hướng tính dục của bạn. Bố mẹ và người thân công khai gây áp lực để Huy phải cưới vợ, thậm chí còn hỏi thăm tìm cách “chữa bệnh đồng tính” cho Huy. Trong suốt những năm cấp 3, Huy luôn bị những người xung quanh đàm tiếu và cảm thấy mình bị người thân chối bỏ. Có thời điểm Huy cảm thấy xấu hổ và suy sụp đến mức có ý nghĩ tự tử. Sau đó, Huy thu mình ở trong nhà, trốn vào không gian mạng xã hội để không phải đối diện với áp lực từ những người xung quanh.
Huy gặp người yêu của mình trên diễn đàn mạng, cậu ấy cũng là một thanh niên sống ở một vùng huyện của tỉnh Điện Biên. Qua mạng, Huy còn được tổ chức cộng đồng ở tỉnh Điện Biên của những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận, tư vấn và làm xét nghiệm HIV nhanh, sau đó cung cấp bao cao su và chất bôi trơn để dự phòng lây nhiễm HIV.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huy xuống Hà Nội tìm việc làm để tránh áp lực của gia đình và sự kỳ thị liên quan đến xu hướng tính dục của bản thân. Huy và người yêu vẫn giữ quan hệ nhưng chưa dám công khai. Huy không có bạn tình khác và vì sợ lộ thông tin Huy không tìm đến các tổ chức cộng đồng ở Hà Nội mà vẫn giữ liên lạc với bạn giáo dục viên đồng đẳng của tổ chức cộng đồng ở Điện Biên mà Huy đã trở nên quen thuộc.
Bởi vậy, tới lúc Huy về thăm quê vào tháng 9 năm nay bạn mới lần thứ hai làm xét nghiệm HIV nhanh và sau đó tiếp tục nhận bao cao su và chất bôi trơn. Tổ chức cộng đồng ở Điện Biên cũng giới thiệu cho Huy biết đến dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) đang có ở Hà Nội nhưng Huy chưa sẵn sàng để nhận dịch vụ ở Hà Nội, mà PrEP lại chưa được cung cấp ở tỉnh Điện Biên.
“Nhóm chúng tôi tiếp cận các bạn MSM ở Điện Biên chủ yếu qua app và các nhóm kín trên mạng xã hội, sau đó mới gặp mặt. Rất nhiều bạn còn trẻ và sống ở các huyện của tỉnh Điện Biên, vì kỳ thị còn cao nên các bạn vẫn giấu xu hướng tính dục của bản thân và cũng thiếu hiểu biết về an toàn tình dục và HIV. Tôi rất mong PrEP sẽ sớm có ở Điện Biên để cộng đồng chúng tôi được có biện pháp dự phòng HIV hiệu quả và dễ sử dụng hơn.” Lò Văn Thịnh, trưởng nhóm Hoa Ban Trắng của người MSM ở tỉnh Điện Biên cho biết.
Dịch HIV đang gia tăng trong nhóm MSM đặc biệt là người MSM trẻ ở Việt Nam. Năm 2020 có tới 47% số nhiễm HIV mới được phát hiện ở Việt Nam là trong nhóm MSM. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trẻ (15 – 24 tuổi) đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm, từ 3% năm 2011 lên đến 13% vào năm 2020. Việc chưa bao phủ PrEP được rộng khắp trong cả nước sẽ làm ảnh hưởng đến các nỗ lực khống chế sự lây lan của HIV trong nhóm MSM. Bằng chứng cho thấy PrEP giúp giảm đến 99% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục[2].
“Mở rộng hơn nữa và duy trì bền vững các can thiệp phòng chống HIV có tác động lớn như PrEP là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện được các mục tiêu về phòng chống AIDS đến năm 2025 và đi đúng hướng để kết thúc AIDS vào năm 2030, lúc đó AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.” Bs. Maria Elena Filio Borromeo, Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam nhấn mạnh.
Giảm sự khác biệt về địa lý trong bao phủ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV sẽ giúp những người còn chưa được chương trình can thiệp với tới có thể kịp thời tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cao cũng như các dịch vụ HIV thiết yếu khác, ở nơi mà họ cảm thấy tin tưởng và an toàn để sử dụng dịch vụ. Cải thiện hơn nữa sự sẵn có, chất lượng và tính phù hợp của các dịch vụ phòng chống HIV trên cả nước là thiết yếu để đáp ứng với HIV của Việt Nam thực sự trở nên công bằng và bền vững.
[1] *Tên nhân vật đã được thay đổi
[2] US CDC. (2022). Pre-Exposure Prophylaxis (PrEP). Available at: https://www.cdc.gov/hiv/risk/prep/index.html#:~:text=PrEP%20reduces%20the%20risk%20of,use%20by%20at%20least%2074%25.