Vụ xô xát không chỉ làm tan hoang một ngôi nhà mà cũng làm tan nát mối quan hệ ruột thịt của một gia đình.
Duy và Liên[1] là một cặp vợ chồng có HIV sinh sống ở thành phố Điện Biên Phủ. Liên là chủ lực về kinh tế, tạo thu nhập trong gia đình. Duy, do chịu nhiều tác dụng phụ của việc điều trị HIV từ nhiều năm trước nên phần lớn thời gian chỉ ở nhà chăm con và làm các việc nội trợ cho gia đình. Hai người con của Duy và Liên đều không nhiễm HIV do Liên đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) trong thời gian mang thai và cho con bú.
Gia đình nhỏ của họ sống trên mảnh đất mà Duy được bố mẹ mình cho thừa kế. Quyền thừa kế của Duy đối với mảnh đất này được pháp luật công nhận. Bố mẹ Duy cũng chia đều đất và quyền thừa kế đất cho tất cả các con, gồm con trai của anh cả đã qua đời của Duy và hai chị gái. Các gia đình nhỏ đều xây nhà trên mảnh đất được thừa kế và sống liền kề bên nhau. Nhưng kể từ khi biết hai vợ chồng Duy đều nhiễm HIV, mọi người trong nhà bắt đầu chèn ép vợ chồng Duy. Họ lấy cớ rằng Duy “kém cỏi” và “thiếu hiểu biết về xã hội” vì Duy không được khỏe và phần lớn thời gian chỉ ở nhà.
Thế rồi, một dự án qui hoạch đô thị được triển khai xây dựng ở khu vực mà gia đình Duy sinh sống, khiến cho những căng thẳng và rạn nứt trong quan hệ của vợ chồng Duy với người thân càng thêm nghiêm trọng.
Đầu năm nay, chính quyền thành phố đã thu hồi một phần đất của gia đình lớn của Duy để mở đường mới theo qui hoạch phát triển thành phố và bồi thường cho gia đình một khoản tiền. Đồng thời, việc lấy đất mở đường cũng làm thay đổi lối đi vào các miếng đất nhỏ đã xây nhà của từng anh chị em. Hai chị gái của Duy đòi phải được chia nhiều tiền bồi thường hơn và cả chia lại miếng đất mà Duy đang có sổ đỏ.
Hai chị của Duy còn xông vào nhà hai vợ chồng, chửi mắng họ là nhiễm HIV, xô đẩy, đánh Liên ngay trước mặt hai con nhỏ của họ. Vụ gây lộn đã làm tổn hại đến căn nhà và sinh hoạt của gia đình Duy, cũng làm tổn thương lòng tự trọng của hai vợ chồng. Bị dồn ép, Duy và Liên phải nhờ đến đại diện các ban ngành đoàn thể ở địa phương đứng ra hòa giải.
Kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành do vợ chồng Duy là người có HIV đã đe dọa quyền thừa kế và sở hữu tài sản của Duy, cũng như khiến vợ chồng Duy và hai con càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Nghiên cứu quốc gia về kỳ thị liên quan đến HIV tiến hành năm 2020 – 2021 cho thấy vẫn còn hơn 4% người sống với HIV bị vi phạm quyền trong 12 tháng qua và có tới 45% không biết liệu Việt Nam có luật nào bảo vệ người có HIV không bị phân biệt đối xử hay không[2].
“Thông qua đường dây nóng, chúng tôi vẫn nhận được nhiều chia sẻ của những người có HIV về việc họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành, cả bằng lời nói và xâm phạm thân thể,” anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới quốc gia người sống với HIV (VNP+) chia sẻ từ kinh nghiệm nhiều năm vận hành đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ cộng đồng. “Chính những người có HIV và cả cộng đồng đều cần lên tiếng và hành động để loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử. Các bạn không đơn độc. Chúng ta không đơn độc.” Phong nhấn mạnh.
Chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với người có HIV và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, bảo đảm sự bình đẳng của mỗi người trong việc thụ hưởng các quyền như quyền sở hữu tài sản, quyền được học tập, chăm sóc sức khỏe, làm việc, tiếp cận công lý, quyền riêng tư, quyền được có gia đình, tự chủ về cơ thể và các quyền khác. Bảo đảm quyền được đối xử bình đẳng là trao quyền cho những người chịu ảnh hưởng chính bởi HIV được sống trong tôn trọng và phẩm giá.
[1] Tên nhân vật đã được thay đổi
[2] Báo cáo chỉ số kỳ thị với HIV ở Việt Nam, năm 2022. Đọc tại https://www.stigmaindex.org/country-reports/#/m/VN
*Các thành viên cộng đồng trong bức ảnh này đã đồng thuận để UNAIDS sử dụng hình ảnh của mình cho mục đích vận động xã hội trong đáp ứng với HIV.