UNIDO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ
UNIDO đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu để xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ.
Lô bưởi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ tỉnh Bến Tre (Đồng bằng sông Cửu Long) vào thứ Hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022, tại buổi lễ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức. Sau gần 6 năm đàm phán, thị trường Hoa Kỳ đã mở cửa cho bưởi tươi của Việt Nam.
Thành công này có được là nhờ nỗ lực của tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị bưởi, bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà xuất khẩu, nông dân, các bên cung cấp dịch vụ và cả các chuyên gia trong nước và quốc tế của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO. Bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ có yêu cầu rất khắt khe về kiểm soát bệnh dịch, vì thế đòi hỏi nhiều thời gian đào tạo nông dân cũng như thay đổi quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu và nâng cấp chuỗi liên kết. UNIDO Việt Nam và Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau thu hoạch (VIAEP) đã trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật xử lý sau thu hoạch cho lô bưởi đầu tiên này tại Công ty CP Tập đoàn XNK Trái cây Chánh Thu (Chánh Thu) để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ.
Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ tại ĐBSCL được hỗ trợ tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) và Quỹ Ủy thác Đa bên của Liên hợp quốc (MPTF). GQSP Việt Nam là một phần của chương trình GQSP toàn cầu do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ và được UNIDO thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD).
Theo yêu cầu bắt buộc của thị trường Mỹ, trái bưởi tươi xuất sang Mỹ không được sử dụng màng PVC bọc thực phẩm. Công nghệ màng phủ mới do dự án phối hợp với VIAEP và các chuyên gia quốc tế phát triển giúp kéo dài thời gian bảo quản lên đến 3 tháng mà không cần sử dụng màng nylon. Song song với việc nghiên cứu phát triển sản phẩm màng phủ, một hệ thống sơ chế xử lý trái bưởi đồng bộ công suất 4-5 tấn/h đã được thiết kế, chế tạo bao gồm các công đoạn: rửa, xử lý hóa chất, làm ráo, phun phủ màng và làm khô trái bưởi. Hệ thống thiết bị này đã được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và Cục Bảo vệ thực vật chấp nhận đạt yêu cầu để giúp Chánh Thu xử lý trái bưởi vào thị trường Mỹ.
“Hiệu quả của dự án giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức lớn nhất của xuất khẩu trái cây là xử lý sau thu hoạch để bảo quản trái cây được lâu và xuất khẩu sang các thị trường khó tính với chi phí logistics giảm. Đây là một động thái cần thiết vào thời điểm này. Điều này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho những đổi mới trong tương lai để mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.”- Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Chánh Thu, chia sẻ về hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO.
Từ thành công này, UNIDO sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cho trái cây Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị đổi mới và bền vững để đóng góp cho kinh tế nông thôn.