“Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mọi người, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Bác sĩ hỏi tôi có làm gì sai để đến mức bị chồng đánh tàn tệ như vậy không.” Linh, một nạn nhân của bạo lực gia đình 33 tuổi ở tỉnh Bến Tre, cho biết.
“Nhưng tôi thực sự không dám tố cáo chồng tôi tại chính quyền địa phương vì anh ta có mối quan hệ rất rộng và tôi không muốn mọi người xung quanh biết về việc này.” - Hoa, một nạn nhân khác, chia sẻ.
Đối với những phụ nữ này, nỗi đau thể xác do bị bạo lực không là gì so với nỗi đau từ sự kỳ thị xã hội và định kiến về giới. Liệu nói lên sự thật có làm cho vấn đề tồi tệ hơn, hay liệu họ có được bảo vệ nếu bị trả thù?
Theo một cuộc khảo sát năm 2010, một tỷ lệ rất cao là 87% phụ nữ đã từng kết hôn là nạn nhân bạo hành ở Việt Nam đã không tố cáo với bất kỳ đơn vị hỗ trợ chính thức nào. Hơn nữa, theo một cuộc khảo sát khác từ năm 2010, trong số những trường hợp sống sót sau bạo lực gia đình, chỉ có 43% số vụ được thông báo cho cảnh sát, và trong số này chỉ có 12% số vụ bị cáo buộc hình sự. Đáng báo động là chỉ có 1% trong tất cả các vụ được báo cáo là bị kết án. Đối với các nạn nhân bị bạo lực, việc lên tiếng đòi hỏi sự can đảm và đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của họ. Đây là lý do tại sao cần phải bảo vệ quyền, nhân phẩm và an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi họ quyết định nói lên sự thật.
Trong số các biện pháp giải quyết vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, Gói dịch vụ thiết yếu (ESP) của Chương trình chung toàn cầu của LHQ về các dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực hiện đang được thí điểm ở tỉnh Bến Tre, một vùng nông thôn và xa xôi của Việt Nam, nơi những nạn nhân sống sót sau bạo lực gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ so với khu vực đô thị.
UN Women và UNFPA toàn cầu đã khởi xướng xây dựng ESP với sự tài trợ từ Úc và Tây Ban Nha, và triển khai ở cấp quốc gia cùng với UNODC và WHO. ESP bao gồm các dịch vụ cốt lõi có chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài của phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị bạo lực. Các dịch vụ bao gồm hỗ trợ trên các lĩnh vực y tế, xã hội, tư pháp và chính sách, cũng như sự phối hợp tốt hơn giữa các lĩnh vực này để tăng cường cung cấp dịch vụ. UN Women đang làm việc trực tiếp với Vụ Bình đẳng giới của Bộ LĐTBXH để điều phối hành động với tất cả các bộ ngành.
“Hành động riêng rẽ của các ngành là không đủ. Cần có sự phối hợp ở tất cả các cấp để đảm bảo quyền và nhân phẩm của các nạn nhân, và đảm bảo rằng họ được bảo vệ khỏi các nguy hiểm sau này,” bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Bên cạnh vai trò điều phối với Bộ LĐTBXH, UN Women cũng hợp tác với Bộ Tư pháp để đào tạo các cơ quan cung cấp hỗ trợ pháp lý về các kỹ năng cần thiết để xử lý các trường hợp bạo hành phụ nữ, sử dụng các nguyên tắc ESP.
Với những nỗ lực ngày càng tăng này, những nạn nhân của bạo hành như Linh và Hoa có thể tự tin hơn để nói ra câu chuyện của mình và thoát khỏi tình trạng bạo lực đang hạn chế tiềm năng hoàn thiện của họ trong cuộc sống.