Thông cáo báo chí

Chương trình “Nghệ thuật hoà sắc cam- Tái sinh” vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em

04 tháng 12 2022

Human statues

Hà Nội, Ngày 4.12.2022 - Hôm nay, tại phố đi bộ Hồ Gươm, người dân thích thú trước màn biểu diễn nghệ thuật nhân tượng và body painting (vẽ nghệ thuật cơ thể) đầy ấn tượng với thông điệp về một cuộc sống bình đẳng, an toàn và không bạo lực cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.

Nằm trong chuỗi sự kiện của Chiến dịch Tô cam thế giới, 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức, hoạt động biểu diễn “Nghệ thuật hoà sắc cam- Tái sinh” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc về những tổn thương về tinh thần, thể xác của người bị bạo lực và quá trình chữa lành, tái sinh khi được thấu cảm, chia sẻ và giúp đỡ từ cộng đồng. Qua đó, chương trình mong muốn tiếng nói và thông điệp “Tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em” được lan tỏa rộng rãi…

Chương trình biểu diễn “Nghệ thuật hoà sắc cam- Tái sinh” gồm 2 phần chính: Phá vỡ im lặng (Break the silence) và Tái sinh (Reborn) do hoạ sĩ Tuấn Việt và Bình Pro thực hiện. Tại đây, các nghệ sĩ thể hiện hai trường tâm lý đối lập nhau: Tiêu cực với những gam màu lộn xộn đan xen, những hình ảnh đại diện cho sự tổn thương về tinh thần, thể xác và Tích cực với gam màu tươi tắn, vui vẻ đại diện cho sự chữa lành, hàn gắn của bản thân được tái hiện rõ nét.  Nếu ở phần 1, nghệ sĩ trình diễn sự dằn vặt, đau đáu nỗi niềm của nhân vật bị tổn thương thì đến phần hai, những vệt màu dần được “xoa dịu” như một cách tái tạo, hồi sinh bởi những lời động viên, chung tay lên tiếng và chia sẻ sự thấu cảm từ cộng đồng, xã hội. Bông hoa của tình yêu, của niềm tin vào cuộc sống cũng từ đó mà dần dần nở rộ.

Sự kiện là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu  Tô cam thế giới, 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11-10/12) và Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11-15/12).

Thông tin thêm cho các Biên tập viên:

Trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ đứa trẻ phải hứng chịu bạo lực không bằng hình thức này thì là hình thức khác. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Những vết sẹo này không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà nó còn mang lại ám ảnh dai dẳng về tinh thần đến suốt cuộc đời.

Theo như Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, những tác động của bạo lực phụ nữ ước tính tương đương với 1.81% GDP của Việt Nam năm 2018.

Thông tin liên hệ dành cho báo chí, truyền thông:

Hoàng Bích Thảo, Truyền thông UN Women

Mob: 0705163996

Email: hoang.thao@unwomen.org

hoang bich thao

Hoàng Bích Thảo

UN Women
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này