Bố mẹ em và cả nhà chồng em đều bảo em đi mua áo quan cho anh ấy đi thôi, không cứu được nữa đâu.
Trong hai tháng, anh ấy sút cân từ 60 ký còn có 38 ký. Mỗi tuần nhà lại gọi taxi đi cấp cứu một lần. Không ai biết bệnh gì. Bệnh viện này thì nói là bị giun, bệnh viện kia nói là dạ dày, là gan. Càng chữa anh ấy càng mệt, người rộc chỉ còn bộ xương thôi.
Đến lúc bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xét nghiệm mới bảo là anh ấy dương tính với HIV. Họ dặn em nên tạm giấu chồng, chứ chồng sốc, nhảy lầu tự tử thì khổ.
Em nghe xong không dám nói ai. Hôm đó một mình em đứng khóc ở hành lang bệnh viện.
Trong bụng em cũng đã đoán là vợ chồng chăn gối với nhau, mình chắc chắn cũng bị nhiễm rồi. Nhưng em còn hai đứa con ở nhà, em phải chấp nhận, giờ chỉ nghĩ cách cho chồng sống.
Chuyến đó em về vay tiền họ hàng, bạn bè, cân cà phê tươi bán hết lấy tiền trả chi phí chạy chữa cho anh.
Chỉ số miễn dịch CD4 của người thường ít nhất là 600 thì chồng em lúc đó chỉ còn mười mấy. Anh còn bị xơ gan; bác sĩ nói không điều trị gan thì đâu có sức uống nổi thuốc ARV đó. Rồi anh lên nấm lưỡi, bỏ ăn, lại sút cân… Ai cũng xác định là chết rồi. Nhưng em gạt hết, nạt cả bố mẹ chồng em và bố mẹ em. Em nói giờ nếu chồng không bò được thì em cõng chồng đi, lấy thuốc uống điều trị cả gan và HIV. Không ăn thì em đút cơm cho đến khi anh ấy nuốt mới thôi. Em nhất quyết không cho anh chết.
Được hai tuần thì chồng bắt đầu tự dậy lục cơm nguội ăn. Rồi một tuần lên một ký; ngày nào em cũng đi bắt anh ấy đứng lên cân. Ba tháng sau anh béo tròn luôn, CD4 lên 900. Giờ chồng em khoẻ lắm, tháng có khi đi xây đến 30 ngày.
Lo cho anh xong thì đến em bị dị ứng thuốc ARV. Em uống vào chỉ ba ngày sau mẩn đỏ khắp người, nôn, chóng mặt, tay chân sưng húp. Các bác sĩ ở trung tâm khổ với em ghê lắm! Nhưng số chúng em trời thương, gặp được bác sĩ tận tâm: các anh chị ấy kiên nhẫn cho em thử thuốc ba tháng để tìm đúng loại uống.
Dẫu sao, em vẫn nghĩ vợ chồng em may mắn. Em nói hết với mọi người bệnh tình của tụi em ngay từ ngày ở bệnh viện về. Nhưng hàng xóm không ai kỳ thị cả. Họ còn kéo sang chơi, động viên. Ai có việc là thuê em làm, kiếm thu nhập. Thầy cô ở trường hai thằng bé cũng thông cảm, sẵn sàng cho nợ tiền học phí đến cuối năm, cốt sao cho tụi nó đi học. Rồi xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên lễ tết lại cho quà, bánh, dầu ăn, mắm muối…. Giờ vợ chồng em tâm lý thoải mái, thuốc uống đều đặn, lấy sức nuôi hai thằng con ăn học.
Nhưng em biết được như vợ chồng em là rất hiếm. Những anh chị cùng điều trị ở trung tâm em gặp đều tâm sự là bị kỳ thị. Có chị phải chuyển trường cho con mấy lần, nhưng đều không thoát.
Em nghe nhưng không khuyên được gì. Ở Đak Lak này HIV vẫn là cái gì đó ghê gớm lắm. Bệnh này được điều trị thì đâu có lây như nhiều bệnh khác. Chúng em cũng có ý thức, biết bảo vệ những người xung quanh mà, đâu làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Giờ có điều ước, em chỉ mong mọi người giải toả cái kỳ thị đó đi, để những người như em có động lực vượt qua bệnh tật. Nó nhiều khi đơn giản như chiều chiều chơi bóng chuyền thoải mái, như mấy anh trong xóm vẫn làm với chồng em vậy.” – Ánh, Đắk Lắk