Có những sáng tỉnh giấc em thấy như ở bên bờ vực… Em phải tự kiểm soát để mình không bước xuống từ ban công nơi em thức dậy.
Sinh ra khi bố mẹ đều chối bỏ, em lớn lên cùng ông bà nội tại Cần Thơ. Từ nhỏ em đã nhận thức được mình có vấn đề về tâm lý, nhưng chỉ gần đây khi được giám định đầy đủ, em mới biết mình mắc chứng tự kỷ. Và em mới lý giải được những gì đã trải qua trong quá khứ và cho đến tận bây giờ.
Khi bị xâm hại bởi một người hàng xóm suốt những năm cấp hai, em sợ hãi và luôn phải tìm đường tránh người đó mỗi khi đi học về. Nhưng cả gia đình và làng xóm không ai tin em, vì họ nói em khùng khùng rồi đi quyến rũ con nhà người ta. Cả những lần sau này em bị xâm hại hay bắt nạt, mọi người đều chọn tin phía còn lại, chứ không phải em. Khi đi học, giờ ra chơi nào em cũng bị dẫn ra sân sau cho các bạn đánh tập thể. Đỉnh điểm là năm lớp 11 em bị dồn đến đường cùng, em đã đánh nhau với các bạn ở lớp. Và em bị đuổi học!
Để lại tuổi thơ phía sau, em bắt đầu bước chân ra thế giới rộng lớn bên ngoài. Nhưng đi nhiều nơi, tới nhiều môi trường khác nhau, kịch bản cũ của xâm hại và bạo hành vẫn lặp lại, chỉ là dưới các hình thức khác nhau… Em lại vấp phải bắt nạt của các bạn khi đơn giản người ta không hiểu tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ là gì. Đôi khi chính các thầy cô cũng không hiểu, nghĩ rằng em tự gây phiền nhiễu. Nên khi ra ngoài, em hay lo sợ, em luôn ở tư thế phòng thủ.
Thế giới bên ngoài tuy nhiều chông gai nhưng cũng rất nhiều thứ để làm. Em cố gắng hoàn thành chương trình cấp 3 tai Đà Nẵng và sau đó học lên Đại học. Em ra Hà Nội cũng vì đam mê học tập. Em hiểu học tập là con đường để em nói lên tiếng nói của người trong cuộc. Ngoài đi học, em cùng các bạn sáng lập thuộc một nhóm nâng cao nhận thức cộng đồng về tự kỷ, với các hoạt động như kịch ứng tác. Em còn tự học ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng về người khuyết tật, bình đẳng giới, vv. Bốn năm trước, em đã một mình đạp xe xuyên Việt vì quyền của cộng đồng LGBT.
Em tham gia lớp học và vẽ tranh dành cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em. Vẽ tranh cũng là cách em nói ra tâm tư của mình, kể cả khi tươi sáng hay khi khủng hoảng và rối bời. Khi người khác nhìn vào những mảng màu này sẽ như thấy được nội tâm của em.
Em muốn thay đổi cái nhìn của xã hội về tự kỷ và không muốn những đứa trẻ tự kỷ phải chịu thiệt thòi như em đã trải qua. Tụi em như một bức tường mỏng, nhìn có vẻ chắc chắn nhưng không có điểm tựa thì sẽ sụp đổ ngay. Điểm tựa ấy chính là sự cảm thông và không phán xét của mọi người.
Ngày ngày em vẫn tiếp tục chiến đấu với kì thị và bạo lực, cũng như cố gắng chi trả được chi phí học tập. Nhưng em luôn tự nói với bản thân mỗi sáng thức dậy rằng “Hôm nay là một ngày mới!”.” – Từ Thanh Thuý, Hà Nội