Em không như những bạn khác nhiễm HIV do rủi ro: ngay từ đầu em đã chấp nhận có nguy cơ có bệnh.
“Em không như những bạn khác nhiễm HIV do rủi ro: ngay từ đầu em đã chấp nhận có nguy cơ có bệnh.
Hồi em quen ba bé Bo, cũng là mối tình đầu, phường kêu em qua, dặn đừng quen, người này nghiện ma tuý và có thể có HIV. Ở nhà má em cũng cản. Nhưng em theo đạo Công giáo, mới “trả treo” với má kiểu, “Chúa Jesus xuống thế gian vì người tội lỗi, tự nhiên giờ người ta bị vầy má kêu con bỏ, coi như mình thực dụng quá! Người ta xấu thì mình phải làm sao cho người ta tốt lên, chứ bỏ sao? Với lại, có vợ chồng sống với nhau ba bốn chục năm không hạnh phúc. Còn người này yêu con thiệt, mà con cũng yêu nữa. Vậy má kệ con đi, con sống một năm con chết con cũng chịu nữa.”
Rồi tụi em cưới hỏi đàng hoàng, em học cao đẳng năm ba thì có bé Bo. Mà đi sanh khổ lắm! Bệnh viện địa phương nói má em là con bà bị nhiễm, cứ để em nằm đó. Má phải cho em leo cửa sổ trốn viện, lên Từ Dũ ở Sài Gòn. Lúc sanh mổ thì em mới có giấy khẳng định chắc chắn mình cũng có HIV, nhưng bé Bo may sao lại không bị.
Ba bé Bo em không chê điểm chi, yêu em dữ lắm, chỉ có là sử dụng ma tuý thôi. Đến năm Bo 2 tuổi, em thấy con bắt đầu có ký ức. Em không muốn bé biết ba nó nghiện nên bắt ảnh phải cai bằng được, không em bồng con đi. Ảnh cai sống, cho em xích ở nhà, mà sạch được ma tuý! Nhưng rồi sức khoẻ anh giảm sút, sụm dần. Năm bé Bo 5 tuổi là ảnh đi.
Sau đó em bắt đầu điều trị, chứ không “đi” cả nhà. Cũng từ điều trị ARV, tham gia câu lạc bộ những người có H ở địa phương mà em mới quen anh Phúc, ông xã bây giờ. Ảnh dòm dữ dữ lạnh lạnh vậy thôi, chứ quen em ảnh tỏ tình sến súa thí mồ! Nói gì mà “tiếng sóng Vũng Tàu ngừng vỗ thì anh mới ngừng yêu em”!
Nhưng mà Bo hồi đó cản em lấy chồng. Tới sinh nhật nó sáu tuổi, em kêu anh Phúc chở má con em đi Vũng Tàu chơi. (Vầy nên mới có câu “tiếng sóng”!) Lúc về, tự nhiên con kêu, “mẹ, bác Phúc yêu mẹ dữ lắm.” Mình giựt mình, hỏi sao biết? Nó nói “tại con cũng yêu mẹ, hay nhìn mẹ. Con thấy bác Phúc cũng nhìn mẹ giống con nhìn mẹ vậy, nên con biết bác cũng yêu mẹ.” Ghê hông?
Em với anh Phúc lấy được nhau là nhờ thằng nhỏ vậy đó.
Tụi em sanh thêm bé Nhi, phần là muốn “làm mẫu” cho anh em em trong câu lạc bộ. Mọi người có HIV, sợ lây sang con nên không dám có bầu. Nhưng tụi em tuân thủ điều trị, phòng ngừa cho con, sinh Nhi khoẻ mạnh, chứng minh mình làm được chuyện khó tin nhứt! Tết năm đó vui tưng bừng! Mấy cặp liền sanh con với báo “hai vạch”.
Em với anh Phúc kinh tế ổn, đứng ra duy trì câu lạc bộ Dừa Xanh đến giờ là 10 năm, lấy chỗ cho mấy anh chị em có HIV lại chia sẻ, giúp đỡ nhau. Em cũng gom với mấy nhóm ở Bến Tre thành Liên minh Nhân Ái, chuyên giúp đỡ trẻ có cha mẹ có H, hoặc bị ảnh hưởng, nhận chuyển hỗ trợ của các mạnh thường quân.
Người có HIV cần nhất sự thông cảm và lắng nghe, hơn cả tiền nữa. Khi em giúp mạnh thường quân kết nối, nhiều nhà hảo tâm thấy “người nhà” em chạy xe máy, đeo vàng thì không chịu, đòi kiếm người nghèo cho. Em giải thích, là tụi em ở đây không phân biệt, bản thân em kinh tế ổn định nè, nhưng nếu anh em tặng quà em là em nhận liền! Nhận trong niềm hạnh phúc vô cùng! Nhận không phải là món quà mà là tấm lòng của anh em, là mọi người quan tâm đến em. Tụi em rất quý sự chia sẻ, sẻ chia lại cho những bạn cực hơn, khó khăn hơn.
Có một điều em quan sát và thấy rất vui là “người nhà” khi vô viện lãnh thuốc không chỉ lãnh xong rồi về, mà họ biết đi mấy buồng nặng, thăm hỏi những người đồng cảnh, nếu có ai gặp khó khăn thì chỉ cần ới một tiếng, bao nhiêu người chung tay giúp hết. Cơ hội mình gặp được ai để giúp là mình phải lấy.
Điều gì nên biến khỏi cõi đời này hả? Em nghĩ là suy nghĩ đặt dấu chấm hết cho người còn đương sống. Thí dụ nhiều người áp đặt, nói “thằng đó ở tù về, hay có HIV, là coi như tiêu, không làm gì được nữa”. Người còn sống là còn hy vọng, nhưng chính những suy nghĩ độc hại đó mới làm cho người ta chết thiệt. Cái miệng có thể giết người dễ như vậy đó.
Em có H 20 năm rồi, điều trị ổn định, sống khoẻ re à. Nói thiệt, mấy bệnh nhân ung thư đem trăm cây vàng đổi ngang với bệnh của em, em cũng không đổi nữa.
Em sắp học đại học, ngành xã hội học, đúng sở trường. Em muốn cho anh em thấy, mình bệnh 20 năm rồi nhưng ước mơ vẫn phải làm: em nói trước khi chết mình phải có bằng đại học là em sẽ làm được. Đặng nếu mọi người có ước mơ là làm liền như em, không để nó trôi. Hè này em đi đăng ký học nè!” – Châu Bảo, Bến Tre
Câu chuyện hôm nay sẽ tạm kết thúc series “Sống tích cực - Humans of Courage” của chúng tôi nhân dịp Chiến dịch 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS 2019. Chúng tôi hy vọng 16 câu chuyện vừa qua đã giúp các bạn hiểu hơn về cuộc sống và nghị lực vươn lên của những người sống với HIV và nạn nhân của bạo lực giới, từ đó lan tỏa sự đồng cảm, chia sẻ, yêu thương giữa người với người.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận rõ tầm quan trọng của vòng tay cộng đồng trong việc xóa bỏ bạo lực giới và kì thị, phân biệt đối xử với người có HIV, để không ai bị bỏ lại phía sau.