Thông cáo báo chí

Nỗ lực chung của các cơ quan đối tác quốc tế về chống ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam

04 tháng 6 2018

  • Hà Nội - Ngày 4 tháng 6 năm 2018 – Theo thời gian, chất thải nhựa phân hủy dần, thôi ra thành các mảnh nhỏ hơn gọi là vi nhựa, và cuối cùng thường đổ vào các đại dương, rồi từ đó, có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn. 41 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế sẽ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới bằng việc ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa tại L'Espace, 24 Tràng Tiền lúc 9:00 sáng.

Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.

Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.

Chiến dịch này, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi - ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách – giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.

Lễ ký Quy tắc ứng xử là một điểm nhấn trong Chiến dịch vận động chống ô nhiễm nhựa, một chiến dịch chung của các đại sứ quán và đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Sau lễ ký sẽ có một hội thảo bàn tròn về vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và các nhà hoạt động môi trường sẽ thảo luận về những thách thức trong việc giảm chất thải nhựa và đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa.

Trong những tháng vừa qua, các đối tác quốc tế đã tích cực tham gia chiến dịch này với nhiều hoạt động cùng diễn ra. Một trong những hoạt động quan trọng khác của chiến dịch là các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách sẽ có ảnh hưởng tích cực lâu dài nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, chiến dịch trực tuyến #Giảm-thiểu-rác-thải-nhựa đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.

Liên hệ báo chí:

  • Nhân Thị Mỹ Ngọc, Tùy viên Truyền thông, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam | ĐT: +84 (24) 39 44 57 33 | DĐ: 09 85 91 66 17
  • Vũ Tuyết Trang, Cán bộ Truyền thông, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam | ĐT: +84 (24) 37 34 50 22 | DĐ: 09 03 43 05 26

Trích dẫn

"Là các tổ chức đối tác quốc tế, chúng tôi vinh dự được làm việc tại Việt Nam và chia sẻ trách nhiệm chung nhằm giảm chất thải nhựa của chúng tôi tại đất nước xinh đẹp này và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai." - Bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam

Thông tin nhanh:

Ô nhiễm chất thải nhựa

  • Mỗi năm 300 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số đó được sử dụng để tạo ra các sản phẩm sử dụng một lần (ví dụ: túi mua hàng, chai, cốc và ống hút); cứ mỗi phút có 1 triệu túi ni lông được sử dụng.
  • Ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào các đại dương trên toàn thế giới; 55% -60% lượng rác thải này đến từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam1.
  • Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia trên thế giới đóng góp nhiều nhất vào lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương2.
  • Đốt nhựa chứa clo ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và có tính độc hại cao như dioxin và furan.
  • Nhiễm chất thải nhựa trong chuỗi thức ăn có thể gây ra những tác hại cho con người.
  • Ô nhiễm chất thải nhựa tác động tiêu cực lên ngành du lịch, kể cả tại Việt Nam.

Các tổ chức đối tác quốc tế tại Việt Nam – Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

Do ô nhiễm chất thải nhựa hiện đang là vấn đề bức bối toàn cầu, gây hậu quả sinh thái nghiêm trọng, trong khi Việt Nam là một trong năm quốc gia có lượng chất thải lớn nhất góp phần tạo ra tám triệu tấn chất thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới mỗi năm,

Với tư cách là các cơ quan đối tác quốc tế hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi ý thức đầy đủ về trách nhiệm chung trong việc cấp thiết tạo thay đổi nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa; nâng cao nhận thức về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa đối với con người, động vật và môi trường.

Chúng tôi cam kết thực hiện những hành động sau đây nhằm cải thiện rõ rệt cách thức hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam:

  1. Không mua hoặc sử dụng chai đựng nước nhựa dùng một lần trong văn phòng, đồng thời nỗ lực tìm giải pháp thay thế sản phẩm nhựa sử dụng trong các cuộc họp và sự kiện do chúng tôi tổ chức;
  2. Tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng nhựa tại các văn phòng cơ quan của chúng tôi, xem xét lượng chất thải nhựa phát sinh, qua đó thay đổi cách thức hoạt động của văn phòng để giảm thiểu chất thải nhựa;
  3. Vận động nhân viên tham gia giảm thiểu chất thải nhựa, hướng dẫn họ cách từ chối sử dụng, giảm thiểu, tái sử dụng và thu gom nhựa tái chế tại nhà; và
  4. Khuyến khích tất cả các đối tác của chúng tôi (các cơ quan Chính phủ, đối tác dự án và các tổ chức khác), các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có thể.

Danh sách các Đại sứ quán và cơ quan đối tác quốc tế tham gia ký Quy tắc ứng xử

Ngân hàng Phát triển Châu Á, Áo, Bỉ, Canada, Séc, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai Len, Ý, Hà Lan, Niu Di Lân, Na Uy, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (16 Tổ chức, Quỹ, Chương trình, và Cơ quan chuyên ngành)3 và Ngân hàng Thế giới.

Các đường dẫn liên quan

1 "Rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển" Tạp chí Khoa học 347 (6223), 768-771, ngày 12 tháng 2 năm 2015

2 "Rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển" Tạp chí Khoa học 347 (6223), 768-771, ngày 12 tháng 2 năm 2015

3 FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) IFAD (Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp), ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế), ITC (Trung tâm Thương mại Quốc tế), UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS), UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), UNDSS (Cơ quan An toàn và An ninh Liên Hợp Quốc), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quố), UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc), UNHABITAT (Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc), UNODC (Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc), UNWOMEN (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

FAO
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc
IFAD
Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp
ILO
Tổ chức Lao động Quốc tế
IOM
Tổ chức Di cư Quốc tế
RCO
United Nations Resident Coordinator Office
UNEP
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc
UN-Habitat
Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc
UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc
UNAIDS
Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc
UNFPA
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc
UNIDO
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc
UNODC
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma tuý và Tội phạm
UNV
United Nations Volunteers
WHO
Tổ chức Y tế Thế giới

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này