CHIẾN DỊCH #7 NGÀY THÁCH THỨC - Ăn uống, Đi lại, Sống bền vững
10 tháng 4 2018
- Hà Nội ngày 10 tháng 4 năm 2018 - Hôm nay, Sứ quán Thụy điển, Liên hợp quốc và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng ( Live & Learn) phát động chiến dịch #7 Ngày Thách thức tại Tòa nhà Xanh chung Liên hợp quốc.
Ban tổ chức phát động Chiến dịch 7 Ngày thách thức nhằm thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và hưởng ứng Ngày Trái đất 22 tháng 4 năm 2018 với chủ đề: "Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa". Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Học viện Thụy điển, Mạng lưới kết nối cựu du học sinh Việt Nam tại Thụy điển, Mạng lưới Thế hệ Xanh Việt Nam, và nhiều trường đại học, trường phổ thông, các tổ chức quần chúng và các hãng thông tấn báo chí.
Chiến dịch kêu gọi mọi người sống, ăn và đi lại thông minh trong bảy ngày. Thách thức bắt đầu từ 10/4, hoặc 17/4, 24/4 và được thực hiện trong một tuần nhằm khuyến khích mọi người chọn lối sống thông minh.
Phát biểu tại Lễ công bố, Ngài Pereric Pereric Högberg, Đại sứ Thụy điển tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Mục đích của thách thức này là nhằm nâng cao nhận thức về những lựa chọn lối sống và tác động của những lựa chọn này đối với môi trường. Lối sống thông minh và bền vững bắt đầu từ chính bạn và tôi! Đơn giản như không dùng sản phẩm nhựa nếu chúng ta có thể dùng các sản phẩm khác. Hãy chung tay xây dựng các giải pháp và tạo nên sự thay đổi, lựa chọn một sự thay đổi thiết thực đối với cuộc sống hàng ngày của bạn ngay hôm nay."
Trong bài phát biểu của mình, ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nói Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững không những đòi hỏi cam kết cấp cao của các chính phủ, mà cần có nỗ lực mạnh mẽ của tập thể gắn với hành động của bảy tỉ người trên hành tinh này. Ông nói: "Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đỏi hỏi nỗ lực rất lớn nhưng nếu chúng ta có thể ăn, đi lại và sống một cách bền vững, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi, góp phần thực hiện các Mục tiêu."
Ông Malhotra đưa ra một số ví dụ mỗi cá nhân có thể thực hiện khi tham gia 7 Ngày Thách Thức: "Ô nhiễm không khí đang gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người dân đô thị ở Việt Nam. Chúng ta có thể và phải đảo ngược hiện tượng này bằng cách đi chung xe hoặc sử dụng các phương tiện đi lại công cộng."
7 Ngày Thách thức kêu gọi mọi người trên khắp thế giới thực hiện những lối sống bền vững để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Những người tham gia chiến dịch sẽ thực hiện những hành động cụ thể xoay quanh chủ đề Sống thông minh, Đi lại thông minh, và An uống thông minh, đồng thời chia sẻ những hình ảnh và thông điệp của mình trên các trang mạng xã hội (như Facebook, Twitter, Instagram, Zao...) để lan tỏa hoạt động ý nghĩa này trong cộng đồng và kết nối với SDGs. Hashtag chính thức của chiến dịch là #7_Ngày_Thách_Thức hoặc #7DayChallengeVN.
Đến dự Lễ phát động, Phó Giáo sư Hồ Kim Thanh, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Y Hà Nội, phát biểu: "Thay đổi lối sống theo hướng ăn rau tươi, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao và hít thở không khí trong lành là liều thuốc tốt nhất để phòng chống nhiều bệnh. Chúng tôi nhất định sẽ tham gia 7 Ngày Thách thức và phổ biến rộng rãi trong Trường Đại học Y Hà Nội. Lối sống lành mạnh là lối sống bền vững nhất."
Ca sĩ Mỹ Linh là Đại sứ của Chiến dịch. Phát biểu tại Lễ phát động, ca sĩ Mỹ Linh kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch: "Đây một chương trình thiết thực, giúp chúng ta sống đẹp cùng nhau. Hãy tham gia 7 ngày thách thức cùng Mỹ Linh nhé!"
Phó Chủ tịch Mạng lưới kết nối cựu du học sinh Việt Nam tại Thụy điển, chị Hương phát biểu: "Chúng tôi lựa chọn sống, ăn uống và đi lại theo cách có thể đảm bảo tương lai bền vững cho tất cả chúng ta. Hãy cùng cộng đồng sinh viên đã từng học tập và làm việc tại Thụy điển tham gia chiến dịch 7 ngày thách thức. Chúng tôi cam kết một lối sống xanh, tích cực để mỗi cá nhân có thể tạo ra sự thay đổi và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình và của cộng đồng!"
Sinh viên, doanh nhân, các nhà hoạt động, những người nổi tiếng, những người quan tâm đến lối sống bền vững, nhân viên văn phòng, Liên hợp quốc hay các sứ quán, tất cả đều có thể tham gia chiến dịch để có thêm thông tin, hiểu biết và những người bạn mới, đồng thời giảm dấu chân carbon của mình.
Là sáng kiến của Thụy điển, 7 Ngày Thách Thức đã được thực hiện thành công ở Kenya, Brazil, Ấn độ, Indonesia, và nhiều nước sẽ tham gia thực hiện.
Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:
- Phạm Tùng Lâm, Sứ quán Thụy điển | lam.pham.tung@gov.se | 0904769246
- Trịnh Anh Tuấn, Liên hợp quốc | trinh.anh.tuan@one.un.org | 0903296393
- Hoàng Trang, Live&Learn | 01658205287
Thông tin thêm
Theo báo cáo "Ngăn chặn xu hướng: chiến lược vì một đại dương không có chất thải nhựa dựa vào lục địa" do Ocean Conservancy và Trung tâm Kinh doanh và Môi trường McKinsey, số lượng rác thải nhựa không qua xử lý đổ vào đại dương đã ở mức khủng hoàng. Với xu hướng như hiện nay, tổng lượng rác thải nhựa vào đại dương sẽ tăng gần gấp đôi lên đến 250 triệu tấn hệ mét vào năm 2025 – nếu không tiến hành cách bước cần thiết quản lý rác thải, tỉ lệ rác thải nhựa vào đại dương sẽ là một tấn rác thải nhựa trên ba tấn cá vào năm 2015.
Đáng báo động là theo Báo cáo, hơn nửa số rác thải nhựa vào đại dương đến từ năm nước: Trung quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam. Nếu năm nước này giảm lượng rác thải nhựa 65% thì lượng rác thải nhựa trên toàn cầu sẽ giảm 45%. Điều này có thể thực hiện bằng các biện pháp như đóng các điểm xả thải trong hệ thống thu gom, tăng tỉ lệ rác rác thu gom, sử dụng công nghệ xử lý rác thải, và phân lại rác thải nhựa bằng phương pháp thủ công.
Nguồn: https://www.mckinsey.com/