Thông cáo báo chí

Báo cáo PAPI 2017: Người dân đánh giá tham nhũng có thuyên giảm, nhưng người nghèo ngày càng quan ngại về đói nghèo

04 tháng 4 2018

  • Hà Nội ngày4 tháng 4 năm 2018 – Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy sự thay đổi đáng kể theo cảm nhận và trải nghiệm của người dân về tham nhũng trong khu vực công. Số phụ nữ có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng lên, nhưng người nghèo bi quan hơn về tương lai sinh kế của họ. Số người có bảo hiểm y tế tăng lên và số hộ gia đình bị thu hồi đất giảm xuống. Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất giảm, và người dân vẫn lo lắng về nghèo đói. Nhìn chung, người dân ghi nhận xu hướng cải thiện ở năm trong sáu chỉ số nội dung quản trị và hành chính công.

Hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh thành đã được phỏng vấn trong giai đoạn khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017. Chỉ số PAPI phản ánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân đối với hiệu quả quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công ở cấp trung ương và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy xu thế vừa đáng khích lệ vừa đáng lo ngại. Đặc biệt đáng chú ý là xu thế đảo chiều ở chỉ số ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ theo hướng khá hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013. Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. Điều này cho thấy mặc dù có những thay đổi theo hướng tích cực, các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng ngừa tham nhũng và đảm bảo rằng những phát hiện của Khảo sát PAPI năm 2017 không chỉ là sự cải thiện tạm thời mà báo hiệu xu hướng đảo chiều có hệ thống và cơ bản sau một thời gian dài liên tục giảm đáng lo ngại.”

Phát biểu tại Hội nghị, ông Craig Chittick, Đại sứ Ôxtrâylia tại Việt Nam, hoan nghênh chương trình nghiên cứu PAPI, coi đây là “mỏ vàng” thông tin, dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện đổi mới chính sách và cải thiện hiệu quả quản trị công.

“PAPI giá trị vì nó đáng tin cậy, toàn diện và rõ ràng,” Đại sứ Craig Chittick nói. “Tôi rất tự hào vì Ôxtrâylia tài trợ cho một công cụ cải cách quan trọng như PAPI tại Việt Nam”. Đại sứ cho biết Ôxtrâylia là nhà tài trợ chính, đóng góp 2,9 triệu đô la cho PAPI trong ba năm tới. “Hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ chương trình “Aus4Reform” – Ôxtrâylia hỗ trợ cải cách, nhằm trợ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn, bao trùm hơn và chất lượng hơn,” Đại sứ nói.

Trong sáu chỉ số nội dung được đo lường năm 2017, chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” gia tăng đáng kể nhất. Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về công tác phòng, chống tham nhũng: chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với tỉ lệ 23% vào năm 2016; tỉ lệ người người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/thành phố giảm từ 17% vào năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. Nhìn chung, 33 tỉnh có điểm chỉ số nội dung này tăng lên so với năm 2016, trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lào Cai and An Giang tăng 20% hoặc cao hơn so với năm trước. Trong sáu tỉnh có điểm chỉ số nội dung này giảm sút nhất, ba tỉnh Đắk Nông, Hưng Yên và Hải Phòng có mức sụt giảm từ 9% điểm trở lên.

Khi được hỏi về vấn đề đáng quan ngại nhất cần Nhà nước ưu tiên giải quyết, 28% người trả lời chọn nghèo đói là vấn đề họ quan ngại nhất. Cao thứ nhì là tăng trưởng kinh tế và thứ ba là việc làm. Vốn được chọn là vấn đề cấp thiết thứ hai trong năm 2016, đến năm 2017 môi trường xuống vị trí đáng quan ngại thứ tư. Nhưng số người trả lời quan ngại về môi trường tiếp tục gia tăng kể từ năm 2015. Khảo sát năm 2017 cũng nghiên cứu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy đa số người dân, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không muốn đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

Người dân cho thấy những xu hướng tích cực liên quan đến tham gia quá trình ra quyết định ở cấp địa phương. Tỉ lệ người dân ghi nhận các dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương được Ban Giám sát Đầu tư Cộng đồng giám sát tăng đáng kể – từ 21% năm 2016 lên 34% năm 2017. Tỉ lệ người dân ghi nhận có từ hai ứng cử viên trở lên để lựa chọn trong bầu cử trưởng thôn/trưởng ấp/tổ trưởng tổ dân phố cũng tăng từ 42% năm 2016 lên 49% năm 2017.

Người dân cũng cho biết nhìn chung trách nhiệm giải trình với người dân có cải thiện nhưng không đáng kể. Năm 2017, khoảng 25% người trả lời cho biết họ đã gặp trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố khi có khúc măc, tăng khoảng 3% so với năm 2016. Trong số những người đã gặp trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, 83% cho biết họ hài lòng với cuộc gặp, thấp hơn so với tỉ lệ 85% vào năm 2016.

Kết quả khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy tất cả các tỉnh đều có nhiều cải thiện về chỉ số Thủ tục hành chính công. Nhìn chung người dân hài lòng hơn với dịch vụ hành chính ở các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở ba trong bốn dịch vụ làm thủ tục hành chính PAPI đo lường (gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận; cấp giấy phép xây dựng và thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân được thực hiện ở cấp xã/phường). Tỉ lệ người dân cho biết có điều kiện tiếp cận bộ phận ‘một cửa’ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng từ 79% năm 2016 lên 86% năm 2017. Đáng kể nhất là xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: trong khi năm 2016 tỉ lệ phụ nữ ở khu vực nông thôn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ít hơn 18% so với nam giới, thì tỉ lệ này giảm xuống còn 9% vào năm 2017.

Tỉ lệ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất ở tiếp tục giảm: gần 7% số người trả lời cho biết gia đình họ bị thu hồi đất năm 2017, thấp hơn so với tỉ lệ 9% giai đoạn trước năm 2013. Tuy nhiên bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại: năm 2014, 36% người dân bị thu hồi đất cho rằng mức bồi thường xấp xỉ giá thị trường, song đến năm 2017, tỉ lệ này giảm xuống còn 21%.

Bên cạnh đó, Báo cáo PAPI 2017 đưa ra bức tranh chung về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Năm 2017, điểm số của tất cả 63 tỉnh thành tăng lên so với năm 2016, trong đó có bảy tỉnh tăng đáng kể. Quảng Bình, Bến Tre và Bạc Liêu là những tỉnh có điểm số nằm trong nhóm cao nhất ở năm trong sáu chỉ số nội dung. Các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh có điểm số tăng trên 8% so với kết quả năm 2016. Các tỉnh Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Vĩnh Long cũng có điểm số tăng. So sánh giữa hai năm 2016 và 2017, trong nhóm các tỉnh có tổng điểm thuộc 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất, 11 tỉnh (gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Bến Tre và Cần Thơ) giữ được phong độ của năm 2016; các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp gia nhập nhóm đạt điểm trung bình cao, và Hưng Yên gia nhập nhóm đạt điểm trung bình thấp.

Tuy nhiên, ngay cả với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm đạt điểm cao nhất, các cấp chính quyền vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng những mong đợi ngày càng cao của người dân. Từ chỉ số PAPI tổng hợp, có thể thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa điểm số cao nhất (39,52 điểm) và điểm số tối đa (60 điểm) tổn của cả sáu chỉ số nội dung. Khoảng cách giữa điểm số cao nhất và điểm số thấp nhất (33 điểm) còn tương đối lớn. Điều này cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công, thực thi chính sách công giữa cách tỉnh/thành phố không đồng đều.

Kết quản PAPI 2017 cho thấy các cấp chính quyền cần tiếp tục chú trọng phát triển công bằng, bình đẳng, tăng cường công khai, mình bạch và chủ động tham vấn ý kiến người dân.

“Chúng tôi hy vọng rằng với cơ sở dữ liệu PAPI 2017 và thông tin thực chứng từ các khảo sát PAPI trong những năm tới, chính phủ Việt Nam sẽ có thể theo dõi tốt hơn quá trình tiến tới “Chính phủ kiến tạo và phục vụ Nhân dân,” ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2017.

Thông tin thêm:

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 đến 2017, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 103.059 người dân trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay. Báo cáo Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Chỉ số PAPI 2017 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).

"Chương trình nghiên cứu PAPI nhận được tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ chính từ năm 2011 đến 2017; Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ chính cho PAPI từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 6 năm 2021; Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam năm 2018; và Liên Hợp quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc từ năm 2009 đến nay.

Vui lòng truy cập www.papi.org.vn để tải báo cáo PAPI 2017 và nhiều tài liệu khác.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

  • Nguyễn Việt Lan, UNDP | Tel: (84-24) 38 500 158 | Email: nguyen.viet.lan@undp.org
  • Đặng Hoàng Giang, CECODES | P717, Block N3, Nguyen Cong Tru, Hai Ba Trung Dist., Ha Noi | Tel: (84-24) 665 23846 | Email: giang.dang@gmail.com 
Nguyen Viet Lan

Nguyễn Việt Lan

UNDP
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNDP
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này