Thông cáo báo chí

Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) và UNESCO tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Giáo dục vì sự phát triển bền vững (GDVSPTBV): Dự thảo Khung quốc gia về Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững.

03 tháng 2 2018

  • Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2018 – Trong khuôn khổ dự án tăng cường chính sách GDVSPTBV tại Việt Nam của UNESCO do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Vụ KHCN&MT) trực thuộc Bộ GD&ĐT cùng với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGD) và UNESCO đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về GDVSPTBV nhằm lấy ý kiến điều chỉnh và hoàn thiện Khung quốc gia về Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững.

Các chuyên gia của Vụ KHCN&MT, Viện KHGD Việt Nam, Vụ, Phòng ban thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở và Phòng GD&ĐT, giảng viên từ các trường đại học sư phạm, các giáo viên và lãnh đạo trong ngành giáo dục đã đến tham dự Hội thảo. Trong bài phát biểu khai mạc, TS Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa những nguyên tắc GDVSPTBV vào cuộc sống và các hoạt động giáo dục tại trường học.

Trong khuôn khổ dự án của UNESCO, Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng một số công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy GDVSPTBV tại Việt Nam, trong đó có dự thảo Khung quốc gia về Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững của Bộ GD&ĐT với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNESCO và các chuyên gia liên quan. Khung quốc gia này sẽ giúp Bộ GD&ĐT tích hợp giáo dục môi trường trong các chương trình và tài liệu giảng dạy mới. TS Lê Trọng Hùng bày tỏ mong muốn xây dựng được những khung tương tực cho hai trụ cột còn lại của GDVSPTBV đó là kinh tế và văn hóa – xã hội.

Ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia chương trình Giáo dục, UNESCO Hà Nội, đã giới thiệu ngắn gọn về phát triển bền vững và GDVSPTBV trên qui mô toàn cầu trong bối cảnh thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (Millenium Development Goals – MDGs), Thập kỷ Liên Hợp Quốc về GDVSPTBV 2005 – 2014, Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) và Chương trình hành động toàn cầu (Global Action Programme – GAP) về GDVSPTBV. Ông cũng thông báo Bộ GD&ĐT Việt Nam là thành viên chính thức của Nhóm hành động ưu tiên (Priority Action Area) số 1: Đẩy mạnh chính sách, trong khuôn khổ Chương trình hành động toàn cầu về GDVSPTBV.

Dự thảo khung về Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững xây dựng sử dụng những phát hiện của rà soát các văn bản chính sách và tài liệu cũng như kết quả khảo sát đánh giá nhu cầu quốc gia về Giáo dục môi trường. Khoảng 3000 giáo viên và ban giám hiệu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã trả lời bảng hỏi khảo sát. Ngoài ra, dự thảo Khung cũng được tham vấn lấy ý kiến của các cán bộ, chuyên gia từ Bộ GD&ĐT và Vụ KHCN&MT, giáo viên và giảng viên tại các trường học, đại học và các trường sư phạm

Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia đã báo cáo về quá trình dự thảo Khung quốc gia về Giáo dục môi trường. Nhóm trình bày cấu trúc dự thảo Khung gồm những kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp với từng cấp bậc giáo dục: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ý kiến phản hồi, nhận xét của các đại biểu sẽ giúp Vụ KHCN&MT và nhóm chuyên gia hoàn thiện Khung quốc gia về Giáo dục môi trường đảm bảo chất lượng và tính thực tiễn cao. Trong đó, UNESCO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Vụ KHCN&MT trong quá trình này.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ với ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục qua địa chỉ:t.matsumoto@unesco.org và truy cập trang Facebook @UNESCOOfficeinVietnam của chúng tôi.

Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này