Thông cáo báo chí

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc giảm số trẻ em ngoài nhà trường tuy nhiên, cần tiếp tục nỗ lực để huy động trẻ em đến trường

23 tháng 1 2018

  • Hà Nội, 23 tháng 1 năm 2018 – Tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở lứa tuổi 5-14 tuổi giảm rõ rệt, trong đó giảm mạnh nhất là ở độ tuổi mầm non 5 tuổi, theo "Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: nghiên cứu của Việt Nam 2016", được Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNICEF công bố ngày hôm nay.

Theo nghiên cứu này, tỉ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa từng đi học hoặc đã bỏ học (trẻ em ngoài nhà trường) đã giảm đáng kể so với năm 2009. Dân tộc Khmer và Mông tuy có tiến bộ đáng kể sau 5 năm, nhưng vẫn có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất so với các nhóm dân tộc khác. Nghiên cứu còn cho thấy có sự khác biệt lớn về trẻ em ngoài nhà trường giữa nhóm hộ gia đình nghèo nhất và giàu nhất, đặc biệt càng ở cấp học cao hơn sự khác biệt này càng lớn. Ở độ tuổi 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của nhóm hộ nghèo nhất cao hơn nhóm giàu nhất gần 3 lần, ở độ tuổi tiểu học là 5,5 lần và ở độ tuổi trung học cơ sở là 10 lần. Trẻ em độ tuổi tiểu học và THCS ở nông thôn đều thiệt thòi hơn ở thành thị ở tất cả các vùng, trong đó thiệt thòi nhất là trẻ em nông thôn của 2 vùng Trung du Miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Nhóm trẻ em di cư luôn có tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn so với nhóm không di cư và sự khác biệt cũng tăng khi độ tuổi tăng. Ở các gia đình di cư, tỉ lệ trẻ em không đi học cao hơn ở các gia đình không di cư 1,2 lần ở độ tuổi mầm non 5 tuổi, 1,6 lần ở độ tuổi tiểu học, và 1,7 lần ở độ tuổi THCS.

"Báo cáo Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam 2016" là phiên bản cập nhật của "Báo cáo trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam năm 2013" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Sử dụng "Khung Khái niệm và Phương pháp luận về Trẻ em ngoài nhà trường" của UNICEF và Viện Thống kê của UNESCO, Báo cáo "Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam" do Bộ Giáo dục va Đào tạo chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNICEF Việt Nam. Báo cáo phân tích thực trạng của trẻ em ngoài nhà trường ở độ tuổi 5-14 tuổi và trẻ em đang đi học tiểu học và THCS nhưng có nguy cơ bỏ học. Báo cáo nghiên cứu cũng phân tích một số các rào cản và vướng mắc, đến từ phía cầu tức bản thân trẻ em và cha mẹ và phía cung cấp dịch vụ giáo dục, bao gồm hệ thống giáo dục đồng thời có liên quan đến các bên khác như các cơ quan quản lý quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp. Nổi bật về rào cản liên quan đến phía cầu là gia đình nghèo, chi phí đắt đỏ cho các khoản liên quan đến học tập của trẻ. Rào cản về phía cung gồm sự tác động từ cơ sở vật chất, giáo viên, quản lý giáo dục và một số vấn đề mang tính hệ thống như chương trình, hệ thống thông tin số liệu, quản trị xã hội, năng lực và cơ chế tài chính. Báo cáo đã đề ra các khuyến nghị để dỡ bỏ các rào cản này.

"Việt Nam đã đạt được những thành quả giáo dục rất đáng khích lệ về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đã cam kết thực hiện chương trình nghị sự Mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh đó, báo cáo cung cấp minh chứng để tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế, công tác chỉ đạo quản lý để giảm bớt các rào cản và bảo đảm quyền học tập của mọi trẻ em", Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu.

"Với các chênh lệch bất bình đẳng còn tồn tại, tôi kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan và các đối tác hợp tác giáo dục tận dụng nguồn số liệu quý giá này và biến kết quả phân tích thành các sửa đổi, bổ sung cần thiết trong chính sách, các biện pháp chỉ đạo quản lý trọng điểm và các thực hành đổi mới về tài chính công trong giáo dục để giảm chi phí giáo dục và giải quyết các rào cản nhằm tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ thiệt thòi hiện chưa được hưởng giáo dục đầy đủ, như minh chứng từ báo cáo nghiên cứu này", bà Yoshimi Nishino, Quyền Phó Trưởng Đại diện UNICEF phát biểu.

Báo cáo sử dụng số liệu của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 làm nguồn số liệu duy nhất, đối chiếu với số liệu của Tổng Điều tra dân số 2009. Trẻ em ngoài nhà trường trong Báo cáo này được phân tích theo các đặc điểm, gồm: độ tuổi, giới tính, dân tộc, thành thị, nông thôn, tình trạng khuyết tật va tình trạng di cư. Báo cáo phân tích chung cả nước và 6 tỉnh, thành phố được chọn để phân tích sâu, gồm: Lào Cai, Ninh Thuận, Kon Tum, Thành phố Hồ Chi Minh, Đồng Tháp va An Giang.

Cần thêm thông tin, xin liên hệ

  • Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, 84-24-38500225; +84-904154678; ntthuong@unicef.org
  • Đỗ Thị Vân, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 84-24-38694075; +84 979707716, dtvan@moet.gov.vn
  •  
Nguyen Thi Thanh Huong

Nguyễn Thị Thanh Hương

UNICEF
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNICEF
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này