Thông cáo báo chí

Giáo sư đoạt giải Nobel Françoise Barré-Sinoussi nhấn mạnh vấn đề giới trong ứng phó với HIV

17 tháng 1 2018

  • Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2018 - Hôm nay, Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi, người được trao giải Nobel năm 2008 nhờ đồng khám phá ra virus HIV và các chuyên gia khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép giới vào các chương trình ứng phó với HIV ở Việt Nam tại một hội thảo diễn ra tại Hà Nội.

Việt Nam cam kết chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và đã chứng tỏ được sự lãnh đạo chính trị cũng như cam kết tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới và HIV. Tuy nhiên, theo nghiên cứu"Đánh giá Giới trong Ứng phó với HIV ở Việt Nam" do Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) và UN Women công bố hôm nay tại hội thảo, các cam kết về bình đẳng giới vẫn chưa được thể hiện trong các chính sách, chương trình và ngân sách về HIV, đồng thời chương trình ứng phó với HIV hiện nay chưa giải quyết được các nhu cầu đa dạng và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Hơn nữa, còn thiếu sự tham gia của xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm đại diện cho phụ nữ sống chung với HIV trong việc xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến HIV.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women, cho biết: "Phụ nữ sống chung với HIV đang gặp phải những thách thức và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, cũng như các dịch vụ hỗ trợ. Phụ nữ, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, phần lớn vẫn nằm ngoài quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách. Đây là một trong những lý do tại sao có sự gia tăng số trường hợp phụ nữ nhiễm HIV dương tính từ 24% năm 2007 lên tới 33% vào năm 2014 ở Việt Nam."

"Để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, công tác ứng phó với HIV cần tập trung vào ba lĩnh vực. Thứ nhất, cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục và các dịch vụ về HIV. Thứ hai, huy động cộng đồng để chuyển đổi các quan niệm và hành vi bất bình đẳng giới. Thứ ba, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bằng cách đầu tư vào sự lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với HIV", bà nói thêm.

Tại hội thảo, giáo sư Françoise Barré-Sinouss, người được trao giải Nobel năm 2008 nhờ đồng khám phá ra virus HIV, đã có bài trình bày về gánh nặng HIV đối với phụ nữ và trẻ em gái, sự dễ bị tổn thương về mặt cấu trúc, hành vi và sinh học và việc cần thiết đa dạng các biện pháp ứng phó với HIV. Bà nhấn mạnh rằng "chiến lược quan trọng nhất và bài học sau nhiều năm ứng phó với đại dịch HIV của nhiều quốc gia là đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các mức độ, quá trình phòng ngừa và ứng phó". Đồng thời, bà cho rằng "cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của nam giới và trẻ em trai để phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh, vượt qua sự kỳ thị, và được tiếp cận đối với điều trị và chăm sóc".

Tại hội thảo, hơn 80 người tham gia từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, xã hội dân sự, mạng lưới phụ nữ sống chung với HIV và các bên liên quan thảo luận các phát hiện chính của đánh giá về giới trong ứng phó với HIV tại Việt Nam và xác định những khoảng trống và thách thức trong lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở cấp quốc gia trong ứng phó với HIV, từ đó đưa ra một loạt các khuyến nghị về cải tiến các chính sách và chương trình về HIV.

hoang bich thao

Hoàng Bích Thảo

UN Women
Cán bộ Truyền thông

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN Women
Tổ chức về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ của Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này