Thông cáo báo chí

Di cư giúp người dân thích nghi với các tác động của biến đổi môi trường tại Việt Nam

31 tháng 3 2017

  • Hà Nội, 31 tháng 3 - Báo cáo mang tựa đề “Thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua di cư – Một nghiên cứu về trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố.

Việt Nam đặc biệt hứng chịu nhiều thiên tai bao gồm bão lụt, hạn hán và nước biển dâng. Tác động riêng lẻ và cộng hưởng của các hiện tượng này đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường trong nước cũng như sinh kế của 90,73 triệu dân trên cả nước. Các điều kiện môi trường khắc nghiệt gây ảnh hưởng rõ rệt lên xu hướng di cư trong nước: các chương trình tái định cư cho những cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của suy thoái môi trường mà Chính phủ đã triển khai từ những năm 90 và số lượng người dân phải rời khỏi chỗ ở tạm thời hay vĩnh viễn do thiên tai trong những năm gần đây (hơn 2 triệu người kể từ năm 2008 đến năm 2015) là những dấu hiệu cho thấy sự liên hệ rõ ràng giữa di cư và môi trường.

Báo cáo cho thấy có mối tương quan tích cực giữa di cư và một số hiện tượng thiên tai cụ thể, đặc biệt là xói lở đất, bão và lũ lụt. Các phát hiện cũng khẳng định vai trò của di cư trong việc giúp người dân thích nghi với biến đổi môi trường. Di cư có các tác động tích cực trong dài hạn như thúc đẩy giáo dục, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, di cư được áp dụng như một phương cách để tồn tại. Di cư đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược thích ứng với biến đổi của môi trường, đặc biệt đối với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo khuyến nghị di cư cần được nhìn nhận như một giải pháp hiệu quả không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, và cần có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho di cư, song song với chiến lược thích ứng tại chỗ và tái định cư.

Song song với công bố kết quả nghiên cứu, IOM cũng xuất bản một báo cáo đánh giá mang tên ‘Đánh giá bằng chứng: Di cư, môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam’. Báo cáo phân tích và tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bao gồm các bài nghiên cứu, báo cáo của Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế. Đánh giá hướng đến nhiều mục đích khác nhau, bao gồm (i) cung cấp một cái nhìn tổng quan về mối liên hệ giữa các xu hướng di cư và biến đổi môi trường tại Việt Nam; (ii) phân tích đánh giá các chính sách của Chính phủ liên quan đến các mối liên hệ này; và (iii) đưa ra khuyến nghị cho chính sách và các nghiên cứu liên quan. Đặc biệt, báo cáo đề xuất nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về di cư để đảm bảo di cư có thể diễn ra trong những điều kiện tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Việt Nam là một trong sáu nước được chọn để thí điểm nghiên cứu trong khuôn khổ dự án ‘Di cư, Môi trường và Biến đổi Khí hậu: Bằng chứng cho Chính sách’ (MECLEP) được Liên minh Châu Âu tài trợ và do IOM thực hiện, kéo dài trong ba năm từ 2014 đến 2017. Tải báo cáo tại các đường dẫn sau:

‘Thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua di cư – Một nghiên cứu về trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long’

Bản tiếng Anh: http://environmentalmigration.iom.int/adapting-climate-change-through-migration-case-study-vietnamese-mekong-river-delta

Bản tiếng Việt: https://publications.iom.int/books/adapting-climate-change-through-migration-case-study-vietnamese-mekong-river-delta-vietnamese

‘Đánh giá bằng chứng: Di cư, môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam’

Bản tiếng Anh: http://environmentalmigration.iom.int/assessing-evidence-migration-environment-and-climate-change-viet-nam

Bản tiếng Việt: https://publications.iom.int/books/assessing-evidence-migration-environment-and-climate-change-viet-nam-vietnamese

Để có thêm thông tin, liên hệ IOM Việt Nam: David Knight, ĐT: +844 3850-1810, Email:  dknight@iom.int.

 

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

IOM
Tổ chức Di cư Quốc tế

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này