Đã đến lúc chúng ta thực hiện cam kết để không bỏ ai lại phía sau
Hội thảo về các vấn đề dân số mới nổi dành cho các đại biểu dân cử khu vực phía Nam
Thành phố Hồ Chí Minh, 21/9/2020 -
Hội thảo về các vấn đề dân số mới nổi dành cho các đại biểu dân cử khu vực phía Nam đã được tổ chức sáng nay tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, chủ trì hộ thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: "Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Nếu không giải quyết các vấn đề về biến động dân số, sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục, bình đẳng giới và phát triển thanh niên, chúng ta sẽ không thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030."
Các chuyên gia từ văn phòng UNFPA đã chia sẻ và thảo luận với các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân về các vấn đề chính liên quan đến dân số, xu hướng nhân khẩu học và những tác động đối với phát triển bền vững.
Tiến sĩ Dương Văn Đạt, Chuyên gia của UNFPA về Sức khỏe sinh sản và quyền chia sẻ rằng Covid-19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ và có khả năng số ca tử vong mẹ vào năm 2020 sẽ gia tăng đáng kể do hậu quả tiêu cực của Covid-19. Chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này và cần phải có những biện pháp can thiệp tức thì nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến thai sản ở phụ nữ Việt Nam.
Bà Quỳnh Anh, Chuyên gia UNFPA về Giới và Quyền con người nhấn mạnh kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 đã chỉ ra tính chất phức tạp phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam. Sau 9 năm kể từ cuộc điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ. Cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì vẫn có gần 2 người từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ người chồng trong thời gian sống. Và tình trạng bạo lực đối với phụ nữ bị che giấu rất nhiều - phụ nữ hiếm khi nói ra hoặc tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Hầu hết tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục đều không tìm kiếm sự trợ giúp.
UNFPA đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu sau:
• Không có trường hợp tử vong ở mẹ;
• Không có trường hợp không được đáp ứng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình;
• Không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Naomi Kitahara kết luận tại hội thảo: "Đã đến lúc chúng ta thực hiện cam kết để không bỏ ai lại phía sau. Với tư cách là đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử, quý vị có đặc quyền đại diện cho người dân Việt Nam và đưa tiếng nói của nhân dân vào quá trình xây dựng chính sách và đưa ra quyết định cho đất nước. Và do đó, tất cả quý vị đều có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đây không chỉ là việc đúng đắn mà còn là việc sáng suốt cần làm."