Tiệc chiêu đãi Ngày Liên hợp quốc 2018 kỉ niệm 73 năm thành lập Liên hợp quốc
Bài phát biểu của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam
Thưa Ngài Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thưa Ngài Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Thưa các Quý Ngài và các vị Đại sứ;
Thưa các đồng nghiệp đến từ các cơ quan Chính phủ và các Bộ, ngành, khu vực tư nhân và các đối tác xã hội dân sự;
Thưa đại diện của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các đồng nghiệp khác trong gia đình Liên Hợp Quốc;
Thưa các Quý Ông, Quý Bà,
Thay mặt cho Lãnh đạo các tổ chức Liên Hợp Quốc và rộng hơn là toàn thể gia đình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho phép tôi được nhiệt liệt chào đón tất cả các Quý vị đến dự Lễ kỷ niệm Ngày Liên Hợp Quốc. Tôi xin cảm ơn Ngài Bộ trưởng Trần Hồng Hà vì sự có mặt ngày hôm nay và sự ủng hộ mạnh mẽ của Ngài với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn khách mời danh dự của chúng tôi, Ngài Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, đã hiện diện tại đây cùng với chúng tôi. Chúng tôi vinh dự được cùng kỷ niệm Ngày Liên Hợp Quốc với hai Ngài và tất cả Quý vị hôm nay.
Ngày Liên Hợp Quốc đánh dấu ngày Hiến chương Liên Hợp Quốc có hiệu lực và Liên Hợp Quốc chính thức ra đời 73 năm trước, vào chính hôm nay, 24 tháng 10 năm 1945.
Và 73 năm sau, Liên Hợp Quốc vẫn ngày càng đóng vai trò thích hợp, quan trọng và cấp thiết hơn trong thời điểm thách thức của quan hệ đa phương, như lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước trong phiên họp toàn cầu với các Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc mà tôi vừa được tham dự.
Làm cách nào để giải quyết các thách thức trên phạm vi toàn cầu mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt? Làm thế nào để chúng ta tạo ra cơ hội, thịnh vượng và hy vọng cho các thế hệ hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn khi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan đang hồi sinh như chưa từng thấy từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu, mà chính Liên Hợp Quốc được hình thành từ đống tro tàn sau chiến tranh?
Không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả, và mỗi quốc gia đều có câu chuyện riêng của mình, những bài học của riêng để ảnh hưởng, và sự giàu có riêng để chia sẻ. Tất cả những điều này đều rất quan trọng để giải quyết những thách thức toàn cầu lớn trong thời đại chúng ta. Nhưng tất cả chúng ta phải nhận ra rằng, cũng giống như toàn cầu hóa, quan hệ đa phương là nền tảng để phát triển.
Trong thực tế, quan hệ đa phương vô cùng quan trọng dù nhiều khi còn lạ lẫm. Đẩy mạnh các ứng phó với biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan đến khí hậu đang gia tăng, đối phó với các xung đột trong khu vực và quốc gia, khai thác các tiến bộ công nghệ nhanh chóng cũng như các vấn đề cấp thiết, xuyên biên giới hoặc liên quan đến nhiều quốc gia khác đều cần đến các hành động và giải pháp đa phương và toàn cầu.
Do đó, chủ nghĩa đa phương là thiết yếu để đạt được ba trụ cột của Liên Hợp Quốc: hòa bình và an ninh, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả, theo một cách nhất quán với nguyên tắc và nguyện vọng của Hiến chương Liên Hợp Quốc mà tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã cùng cam kết. Năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố vào năm 1948.
Trong khi vai trò của Liên Hợp Quốc đã dần thay đổi kể từ năm 1945 và phải tiếp tục thay đổi trong thế kỉ 21 để đảm bảo tính thích hợp cho gìn giữ hòa bình và an ninh, Chương trình Nghị sự 2030 và việc thực thi quyền con người cho tất cả, các mục tiêu cốt lõi và cơ bản vẫn được giữ nguyên, với bản Hiến chương Liên Hợp Quốc như một văn kiện trường tồn và đầy cảm hứng. Mặc dù có nhiều khiếm khuyết, mà phần lớn phản ánh sự không hoàn hảo của chính các quốc gia thành viên, Liên Hợp Quốc vẫn là ngôi nhà chung toàn cầu duy nhất của chúng ta. Nếu Liên Hợp Quốc không tồn tại, chúng ta cũng sẽ phải tái tạo ra tổ chức này.
Ba thỏa thuận quan trọng gần đây đã đạt được thông qua Liên Hợp Quốc , với sự tham gia tích cực của Việt Nam và tất cả các quốc gia thành viên hiện nay là 1) Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, 2) Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu, và 3) Chương trình Addis Ababa về Tài chính cho Phát triển Bền vững. Với những hiệp ước thiết yếu và ràng buộc lẫn nhau, thế giới đã có những công cụ để giải quyết các thách thức to lớn trên phạm vi toàn cầu, với tư cách cùng nhau là công dân toàn cầu, cũng như trong chính các quốc gia của mình.
Thưa các Vị khách quý,
Thưa các Quý Ông, Quý Bà,
Thật vậy, mỗi quốc gia đều có câu chuyện của riêng mình. Và, câu chuyện của chính Việt Nam được kể từ những bài học quý báu và kho tàng vô giá. Chiến tranh và hòa bình, bi kịch và niềm vui, khó khăn và hạnh phúc. Việt Nam đã có một lịch sử kinh nghiệm độc đáo của riêng mình, tiếp tục mở ra tiềm năng mới, như đã mở ra những tiến bộ về kinh tế và xã hội đáng kinh ngạc của đất nước trong vòng chưa đầy một thế hệ vừa qua. Một thành tựu nổi bật khác, theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, là ước tính khoảng 7.3 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói đa chiều chỉ trong 5 năm từ 2012 đến 2017.
Liên Hợp Quốc ở Việt Nam vừa tự hào đã có cơ hội đóng góp vào những kết quả quan trọng này và cũng đang tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác trên thế giới, khi chúng tôi vẫn liên tục làm việc để chia sẻ những thực hành tốt nhất và xây dựng các quan hệ đối tác toàn cầu.
Tôi rất vui được khẳng định rằng Việt Nam là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ hợp tác đa phương. Việt Nam đã tham gia và đóng vai trò quan trọng cùng với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Nhân quyền, Ban Điều hành của UNESCO, Ủy ban Luật Quốc tế Liên Hợp Quốc và gần đây nhất cùng với các hoạt động Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ở cấp khu vực, Việt Nam là nước đi đầu, ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc của hợp tác đa phương. Cuộc họp APEC năm 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018, và vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN đã chứng tỏ điều này. Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN một lần nữa vào năm 2020 và hy vọng sẽ dành một vị trí không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa giai đoạn 2020-2021 khi Việt Nam đã là ứng cử viên sáng giá trong khu vực.
Trở thành đối tác của Việt Nam, đối với Liên Hợp Quốc, là một đặc ân được phục vụ tại đất nước độc đáo và xinh đẹp này.
Thưa các vị khách quý,
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, chúng ta hiện đang đứng giữa ngã rẽ, nơi chúng ta có thể cùng nhau để định hình Tổ Chức này để hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Ngài Tổng thư ký đang lãnh đạo Liên Hợp Quốc thông qua những cải cách đầy tham vọng. Những nỗ lực này sẽ làm thay đổi đáng kể phương thức Liên Hợp Quốc hoạt động trên phạm vi toàn cầu, trong khu vực và ở từng quốc gia. Trụ cột an ninh và hòa bình của Liên Hợp Quốc, cách vận hành quản lý và hệ thống phát triển đều đang trải qua những thay đổi đáng kể ngay lúc này đây, với mục tiêu bao quát là xóa đói giảm nghèo ở tất cả các hình thức và đạt được phát triển bền vững.
Cải cách lớn nhất trong hệ thống phát triển của Liên Hợp Quốc trong nhiều thập kỷ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019. Cải cách này không phải bỗng dưng được sinh ra, mà chính là để chúng ta trở nên hiệu quả hơn, phối hợp tốt hơn, minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn, để hỗ trợ tốt hơn các nước trong việc thực hiện Chương trình Nghị 2030 về Phát triển Bền vững. Với 12 năm kinh nghiệm và lãnh đạo của Một Liên Hợp Quốc, Việt Nam có cơ hội đặc biệt để tiếp tục đi đầu trong thế hệ cải cách hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc mới này.
Với đại diện của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam có mặt tại đây, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện các cải cách này như tinh thần đã được tất cả các Quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nhất trí, thông qua nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 31 tháng 5 năm 2018. Với sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo Việt Nam, hợp tác với tất cả các đối tác, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu cho một Liên Hợp Quốc hoạt động hết mình cho tất cả mọi người, không mệt mỏi phấn đấu để Không ai bị bỏ lại phía sau.
Thông qua khuôn khổ hợp tác chung - "Kế hoạch Chiến lược" giai đoạn 2017-2021 đã được Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam ký kết, hoạt động của 18 tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã được phối hợp thống nhất. Các đồng nghiệp của tôi ở đây, những người mà các Quý vị cũng biết rõ, đại diện cho các tổ chức, quỹ, các chương trình và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Tôi muốn cảm ơn họ, với tư cách là Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, về sự tận tụy trong công việc, vì nhân dân Việt Nam, cùng làm việc với nhau trong một gia đình Liên Hợp Quốc.
Sự hỗ trợ hiện tại của gia đình Liên Hợp Quốc tập trung vào giảm nghèo với nhạy cảm về giới, phát triển xã hội và dịch vụ xã hội, bao gồm xây dựng thể chế vững mạnh, công lý và quyền con người, tăng trưởng kinh tế bao trùm và bảo trợ xã hội, cũng như môi trường bền vững và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Liên Hợp Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong hơn 40 năm qua, với sự hỗ trợ của tất cả các Quý vị ở đây, nhằm đóng góp cho một xã hội Việt Nam xanh hơn, khỏe mạnh hơn, được giáo dục tốt hơn, bao trùm hơn cho tất cả mọi người và được trao quyền để tiếp cận toàn bộ tiềm năng của mình trong khuôn khổ chung của Chương trình Nghị sự 2030 về Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Như tuyên bố của Phó Tổng thư ký trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 gần đây: "Về bản chất, Chương trình Nghị sự 2030 là một cam kết toàn cầu mang tính đột phá để xóa đói giảm nghèo và đạt được một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trên một hành tinh khỏe mạnh. Thành công sẽ được đo lường bằng mức độ thực hiện cam kết "Không bỏ ai lại phía sau". Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta cung cấp cơ hội và nền tảng để cho các cộng đồng và cá nhân bị thiệt thòi nhất, dễ bị tổn thương nhất và đang bị tụt hậu nhất có thể có tiếng nói của mình".
Việt Nam có thể dẫn đầu trong khu vực và trên toàn cầu về các Mục tiêu Phát triển Bền vững như đã từng thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây của mình.
Thưa các Quý Ông, Quý Bà,
Xin cho phép tôi, thay mặt cho đại diện của các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự hợp tác tuyệt vời và những hỗ trợ cho dành cho Hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và vượt xa hơn nữa.
Chúng tôi được đặc ân làm việc với "Toàn bộ Chính phủ" và "Toàn bộ Xã hội" ở đất nước xinh đẹp này.
Như đã nêu trong phần mở đầu của Hiến chương Liên Hợp Quốc: "Chúng tôi, các dân tộc của Liên Hợp Quốc quyết tâm khẳng định lại niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, nhân phẩm và giá trị của con người, quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ và bình đẳng của các quốc gia. Chúng tôi, các dân tộc của Liên Hợp Quốc, quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và các tiêu chuẩn sống tốt hơn trong nền tự do to lớn hơn".
Tôi trân trọng cảm ơn các Quý vị đã tham dự với chúng tôi hôm nay trong Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Liên Hợp Quốc.
Xin trân trọng cảm ơn!