Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai
Bài phát biểu của Bà Akiko Fujii Phó trưởng Ban giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP, Việt Nam
Kính thưa ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai
Thưa các quý vị đại diện của các Bộ, ngành, tỉnh, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và đối tác phát triển
Thưa các bạn đồng nghiệp;
Thưa các vị đại biểu;
Thay mặt Nhóm Trưởng đại diện các Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các vị khách quý trong nước và quốc tế đến tham dự buổi lễ ngày hôm nay. Hôm nay, tất cả chúng ta có mặt tại đây để chúc mừng thành tựu mà nhân dân và cộng đồng Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tác động của thiên tai và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, phòng và chống rủi ro do thiên tai gây ra. Năm nay, chúng ta đặc biệt tập trung vào một trong 7 mục tiêu nêu trong Khung hành động Sendai – đó chính là Mục tiêu C về Giảm tổn thất kinh tế do thiên tai trực tiếp gây ra tính theo GDP toàn cầu vào năm 2030.
Theo Chỉ số Rủi ro Thiên tai Toàn cầu 2018, Việt Nam là một trong 10 nước phải chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất. Kể từ những năm 1970, mỗi năm Việt Nam có tới trên 500 người tử vong do thiên tai và thiệt hại chiếm trên 1,5% GDP. Báo cáo về đóng góp quốc gia tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nhấn mạnh rằng thiệt hại do thiên tai vào năm 2030 có thể lên tới 3-5% GDP. Việc đảm bảo khả năng chống chịu của vùng ven biển trước thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra không phải là cách nói hoa mỹ mà thực sự là nhiệm vụ của từng hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Như quý vị đã biết, nhiều vùng duyên hải của Việt Nam hiện là vựa lúa của cả nước. Nếu không thiết kế tốt được khung chống chịu với thiên tai thì những trận thiên tai lớn sẽ còn làm tăng thêm thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam.
Hiện tượng El-Nino kéo dài gây ra hạn hán và xâm nhập mặn vào năm 2015-2016, trận bão Damrey năm 2017 và lũ lụt năm 2018 đã cho thấy tác động nghiêm trọng của cả thiên tai diễn biến chậm và bất ngờ ở Việt Nam, trong đó hầu hết các nhóm dễ tổn thương như người nghèo, trẻ em, phụ nữ và người dân tộc thiểu số phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về ứng phó và cứu trợ nhân đạo song vẫn còn nhiều việc phải làm để hiểu rõ được thiệt hại kinh tế do thiên tai quy mô lớn gây ra.
Với trên 8 triệu USD từ Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp Trung ương của Liên hợp quốc, từ năm 2016 đến năm 2018, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có cơ hội rất lớn được hỗ trợ Chính phủ, Hội chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều Tổ chức phi chính phủ để giúp cho hơn 500.000 người dân giải quyết nhu cầu thiết yếu và cấp bách về nước, vệ sinh môi trường, sức khỏe, dinh dưỡng, an ninh lương thực và nơi ở. Liên hợp quốc và nhiều đối tác nhân đạo đang hoạt động tại Việt Nam để thực hiện nhiều bài học kinh nghiệm và nâng cao công tác hỗ trợ bằng cách tăng cường khung điều phối Quản lý Ứng phó với Thiên tai, chẳng hạn như Đánh giá Nhu cầu sau Thiên tai một cách nhanh chóng và chi tiết, nhằm tạo điều kiện thực hiện được khung khắc phục thiên tại một cách đầy đủ. Song chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng, tăng cường hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho nhiều đối tượng dễ tổn thương hơn chỉ là một phần trong nỗ lực rất lớn. Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về chiến lược giảm thiên tai, từ cách tiếp cận ứng phó khẩn cấp đến cân bằng hiệu quả giữa ứng phó với thiên tai và giảm nhẹ rủi ro thông qua tăng cường khả năng chống chịu. Cách tiếp cận đảm bảo này chính là cốt lõi của Khung Hành động Sendai 2030 mà Việt Nam tham gia.
Hôm nay, tại vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Mekong này, chúng ta rất may mắn được thấy mực nước lũ chỉ thấp dưới mức báo động 2. Nếu mực nước lũ vượt mức báo động 3, nhiều khu vực của vùng đồng bằng xanh tốt này sẽ bị ngập, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân và gây thiệt hại kinh tế vô cùng nghiêm trọng cho người dân cũng như ngân sách quốc gia.
Để giải quyết được nhiều thách thức do tác động về kinh tế của biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra, đòi hỏi phải lập kế hoạch với thông tin về rủi ro ở nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền và nhiều cơ quan, tổ chức. Điều quan trọng là từng cá nhân, Bộ, ngành của cả khối nhà nước và tư nhân đều phải có hành động cụ thể để hiểu được rủi ro, quan tâm tới nhóm dễ tổn thương và đưa ra được kế hoạch phát triển, trong đó có xét tới những rủi ro này. Trong quá trình lập kế hoạch, nhiều hành động cần có kinh phí đầy đủ và cần được lồng ghép vào quá trình phát triển của từng ngành, từng tỉnh và cuối cùng là cả quốc gia. Bằng việc lập kế hoạch phát triển dài hạn và có thông tin về rủi ro, Việt Nam có thể giảm được tác động kinh tế đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu và thiệt hại do thiên tai.
Nhận thức rõ được vai trò của truyền thông về rủi ro và ứng phó với thiên tai là một yếu tố quan trọng nữa trong công cuộc giảm nguy cơ tổn thất, bao gồm cả tổn thất về kinh tế, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT nhiều dự án, chẳng hạn như mô hình Giảm rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhằm tăng thêm quyền cho người dân bằng cách cung cấp thông tin mà người dân cần để tự bảo vệ mình tránh khỏi thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Phối hợp với Liên hợp quốc, Chính phủ có thể xây dựng môi trường thuận lợi nhằm giảm rủi ro thiên tai- tăng thêm quyền cho nông dân và người lao động để hiểu rõ hơn về tác động của thiên tai đối với bản thân mình, trong đó đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin chính xác, rõ ràng, và thúc đẩy nhiều cách tiếp cận quản lý rủi ro hiệu quả có khả năng làm đòn bẩy cho đầu tư công, và cả nhiều công cụ của khu vực tư nhân như bảo hiểm.
Thưa quý vị đại biểu;
Theo dự đoán thiên tai sẽ còn diễn ra với tần suất cao hơn và cường độ lớn hơn. Do vậy, tôi xin nhiệt liệt biểu dương nỗ lực của tất cả các đối tác quan trọng đã có mặt tại buổi lễ hôm nay để cùng nhau rút kinh nghiệm và tăng cường quan hệ đối tác trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, Ban giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai của Liên hợp quốc đã và đang nỗ lực hỗ trợ sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT về xây dựng đối tác giảm thiểu rủi ro thiên tai giữa Chính phủ và nhiều đối tác phát triển, bao gồm cả khu vực tư nhân. Chúng tôi đứng sau hậu thuẫn cho sáng kiến này để thúc đẩy điều phối về giảm thiểu rủi ro nhằm tăng cường chống chịu thiên tai, và đẩy mạnh hỗ trợ một cách thống nhất của các đối tác cho công tác giảm thiểu rủi ro ở các nhiều ngành và nhiều cơ quan, đây chính là cốt lõi của Mục tiêu trong Khung Hành động Sendai và Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan tới giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Sau đóng góp rất hiệu quả của Việt Nam cho Hội nghị Bộ trưởng Châu Á về Giảm Rủi ro Thiên tai tại Mông Cổ, chúng ta đã hiểu rõ tình hình của Việt Nam và đang tổ chức thực hiện cả 7 mục tiêu nêu trong Khung Hành động Sendai. Theo Kế hoạch hành động 2018-2020 do Hội nghị Bộ trưởng Châu Á đưa ra, Việt Nam và Liên hợp quốc đã xác định được 5 mục tiêu quốc gia:
- Thứ nhất, hoàn thiện chiến lược của quốc gia và địa phương về phòng chống thiên tai.
- Thứ hai, lồng ghép các yếu tố rủi ro thiên tai vào lập kế hoạch và lập ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội.
- Thứ ba, tăng cường giám sát và đánh giá việc thực hiện Khung Sendai tại Việt Nam.
- Thứ tư, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và cộng đồng để xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục thiên tai.
- Và thứ năm, song không kém phần quan trọng, củng cố khung trường học an toàn toàn diện để tăng cường năng lực cho giáo viên và học sinh phòng chống tổn thất do thiên tai gây ra.
Thách thức ở phía trước chúng ta vẫn còn rất lớn. Và không còn thời gian để mất. Tôi rất vui mừng khi thấy sự có mặt của quý vị hôm nay tại đây, đặc biệt là đóng góp góp của nhiều Bộ chủ chốt đang thực hiện các vấn đề của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Thiên tai cũng như Khu vực tư nhân. Tôi lấy làm tự hào được nói rằng Liên hợp quốc tại Việt Nam là đối tác luôn tận tụy hỗ trợ Việt Nam thực hiện công tác công tác mũi nhọn là lập kế hoạch giảm rủi ro thiên tai. Xin chúc hội nghị của chúng ta thành công và chúc quý vị có buổi thảo luận sôi nổi, hiệu quả.
Xin Cảm Ơn!