Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018
Phát biểu khai mạc của Ông Kamal Malhotra Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện thường trú UNDP, Việt Nam
Kính thưa Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững,
Kính thưa ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam,
Kính thưa các vị lãnh đạo và đại diện của các Bộ và các tỉnh,
Thưa các quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất hân hạnh được phát biểu khai mạc tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững. Cho đến nay, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh của VCCI đã thực hiện nhiều nỗ lực đáng khen ngợi trong việc gắn kết các nhà lãnh đạo và người ra quyết định của cả khu vực công và tư nhân, cả trong nước và quốc tế. Hôm nay, tất cả chúng ta có mặt ở đây để thảo luận và tìm ra cách phối hợp hành động để hướng tới phát triển công bằng và bền vững.
Do đó, Hội nghị này sẽ là đòn bẩy để chúng ta hợp sức thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới. Trong thực tế, việc xây dựng "Kế hoạch hành động của Chính phủ và Khu vực tư nhân về Tăng cường Năng suất và Khả năng cạnh tranh vì sự Phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0" chắc chắn sẽ là công cụ cần thiết để thực hiện những nỗ lực này. Kế hoạch hành động cần bổ sung cho các chiến lược quốc gia nhằm mục đích "Không để ai bị bỏ lại phía sau", chẳng hạn như Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững.
Thưa các vị đại biểu,
Điều quan trọng là chúng ta phải xem xét lại cách thức làm thế nào để nỗ lực chung của chúng ta có thể tạo ra tác động tích cực cho đời sống của người dân Việt Nam. Về phía Liên hợp quốc, chúng tôi rất vui mừng thấy Việt Nam hành động theo cách tiếp cận "Toàn bộ Xã hội" để phát triển bền vững. Hành động này được thể hiện rất rõ bằng chính sự tham gia đông đủ của rất nhiều đại biểu tại hội nghị hôm nay.
Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững 2030 và 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được tóm tắt thành 5 chữ P về phát triển bền vững – people (con người), prosperity (thịnh vượng), partnership (đối tác), planet (hành tinh) và peace (hòa bình). Chương trình nghị sự này chuyển hướng tập trung của doanh nghiệp từ lợi nhuận sang hoạt động vì thịnh vượng chung. Đồng thời, Liên hợp quốc cũng kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện theo cách tiếp cận "Toàn bộ Chính phủ" để sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia. Nguyên tắc của tất cả các nỗ lực này chính là "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Nếu chỉ riêng Chính phủ hành động sẽ không thể thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 mà phải có sự tham gia tích cực của tất cả thành viên trong xã hội. Ngoài ra, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu có đầu tư tài chính đầy đủ và có điều phối. Do đó, chúng tôi dự kiến "Kế hoạch hành động về Tăng cường Năng suất và Khả năng cạnh tranh" cũng sẽ đề xuất chiến lược tài chính để huy động các nguồn tài chính phù hợp, bao gồm cả khu vực công và tư nhân, cả trong nước và quốc tế.
Thưa các vị khách quý,
Chúng ta vừa mới điểm lại bức tranh tổng thể. Còn chủ đề của hội nghị phát triển bền vững ngày hôm nay cho chúng ta thấy rõ Cách mạng công nghiệp 4.0 là yếu tố then chốt. Công nghệ mới đang làm thay đổi cách toàn thế giới sản xuất, làm việc, học tập và sinh sống. Các nền kinh tế trên thế giới đang thay đổi và sự thay đổi này bao gồm cả loại hình về quyền sở hữu mới, phương thức quản trị mới và mô hình kinh doanh mới. Làm thế nào chúng ta thích ứng được và chuyển hiện thực này thành cơ hội? Đây chính là vấn đề cơ bản mà chúng ta cần đưa ra.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy tự động hóa rộng rãi và thay đổi không thể tránh khỏi về cơ cấu việc làm. Hàng triệu việc làm sẽ nhanh chóng do máy móc đảm nhiệm; và điều này có nghĩa là hàng triệu lao động, trong đó phần đông là lao động nữ, sẽ cần phải có kỹ năng mới để thực hiện loại hình công việc mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển kinh tế, xã hội và mỗi cá nhân song cũng có thể tạo ra nhiều rủi ro mới về an ninh, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, và gây ra nhiều thách thức xã hội nghiêm trọng.
Tỉ lệ ước tính việc làm do máy móc thực hiện chênh lệch nhau rất nhiều giữa các nước, từ 14% tổng việc làm ở các nước OECD đến gần 50% ở Hoa Kỳ. Theo Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, khoảng 9-32% tổng việc làm ở các nền kinh tế phát triển có thể sẽ bị thay bằng máy móc trong thập kỷ tới.
Tại Châu Á, khoảng 43 triệu người làm việc trong ngành dệt may và giày da, trong đó phụ nữ chiếm ¾ lực lượng lao động. Ở Việt Nam, 86% người lao động trong ngành dệt và giày da (bao gồm 13,2% việc làm phi nông nghiệp) đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp rất lớn. Đáng chú ý là các ngành này đã từng tạo điều kiện để tăng thêm quyền cho phụ nữ và giúp nhiều thế hệ thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các ngành này sẽ có tác động như thế nào đối với phụ nữ ở Việt Nam?
Tự động hóa và số hóa quy trình sản xuất có thể làm mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải tăng năng suất và khả năng cạnh tranh ở tất cả các cấp để nâng cao đóng góp và giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi Cách mạng công nghiệp 4.0 được đưa vào quy trình sản xuất, năng suất và sức cạnh tranh sẽ tăng nhanh và bền vững. Theo quan điểm này, việc ứng dụng những công nghệ này nên là cửa sổ cơ hội cho Việt Nam trong tương lại nếu trở thành động lực của mô hình tăng trưởng mới. Điều này đòi hỏi phải có chuyển đổi quan trọng đối với mô hình kinh tế hiện nay.
Việt Nam có nhiều kinh nghiệm kể từ khi Đổi mới. Đến nay, Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn về xóa đói giảm nghèo, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và kim ngạch xuất khẩu cao. Tất cả những thành công này đã góp phần chuyển đổi kinh tế và xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này xuất phát từ nền tảng kinh tế rất thấp và giờ chỉ có thể duy trì thúc đẩy tiếp được nếu Việt Nam thực hiện thống nhất và kịp thời các chính sách giúp gia tăng năng suất, tăng cường thể chế và quản trị tốt phù hợp. Do đó, Việt Nam sẽ phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ cơ cấu kinh tế dựa vào tăng trưởng nhờ tài nguyên sang cơ cấu có tăng trưởng kinh tế nhờ năng suất cao, nếu không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc tồi tệ hơn nữa là bẫy thu nhập trung bình thấp.
Thưa các quý vị,
Mặc dù chúng ta mới tiến hành thảo luận về vấn đề trên song đến nay đã đề xuất được nhiều giải pháp, trong một số trường hợp đã thử nghiệm. Trong tương lai, quá trình xây dựng chính sách và ra quyết định phải có tính toàn diện hơn và được thảo luận nhiều hơn trước khi đưa ra giải pháp phản ánh trung thực hơn nhu cầu của xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tăng trưởng toàn diện, trong khi vẫn tạo được việc làm.
Tiến về phía trước, và luôn luôn ở vị trí tiên phong về kinh tế trong thời đại hiện nay đòi hỏi các quá trình xây dựng chính sách và ra quyết định phải luôn tính đếm đến tất cả mọi người, đồng thời phát triển các giải pháp sản xuất luôn đáp ứng sát các nhu cầu của xã hội, thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bao trùm và tạo ra nhiều việc làm mới.
"Cổ tức cơ bản phổ cập", tức chia lợi nhuận, sẽ giúp công dân bù đắp hoặc thay thế một số thu nhập mất đi do tự động hóa. Hiện đang đề xuất thuế đánh vào robot để giảm bất bình đẳng thu nhập. Chính sách thuế và một số biện pháp khuyến khích khác có thể cũng được sử dụng để hỗ trợ đầu tư của khu vực tư nhân vào đào tạo lao động, nhất là đào tạo lao động do và cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chính phủ các nước cũng nên cung cấp lợi ích cơ bản phổ cập như chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và an sinh hưu trí, cũng như hỗ trợ chuyển tiếp cho những lao động bị buộc phải thay đổi công việc.
Người lao động phải được giáo dục và đào tạo để sử dụng công cụ công nghệ ngày càng cao và phải đưa ra chính sách phân phối lại nhằm duy trì phân phối thu nhập công bằng. Người sử dụng lao động và các nhóm ngành nghề cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ sở giáo dục để các cơ sở này cung ứng được kỹ năng theo yêu cầu hiện tại và tương lai. Đồng thời, các công ty công nghệ cũng phải phối hợp tốt hơn với các nhà sản xuất. Các chương trình thế chấp bằng việc làm và chương trình dạy nghề, trong đó công ty hỗ trợ nhân viên bằng cách tập huấn kỹ năng mới, cũng có thể là cách quan trọng để đưa ra giải pháp tiềm năng.
Lao động rẻ và lao động bán lành nghề không còn là lợi thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu, cũng không phải là ưu đãi thuế ở một số khu vực kinh tế đặc biệt, nếu trước đây đã từng có lợi thế này. Các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào chính sách, thể chế mạnh mẽ và tăng cường chương trình giáo dục và học tập của người lớn, dành cho những người bị tụt hậu do quá trình tự động hóa. Những chính sách này chính là mũi nhọn trong hợp tác công – tư. Phụ nữ cũng sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong khu vực kinh tế chính thức so với khu vực kinh tế phi chính thức nếu Việt Nam muốn có lãi từ đầu tư cho phụ nữ.
Thưa các vị khách quý,
Hội nghị hôm nay là một bước quan trọng để chúng ta cùng nhau điều chỉnh các chính sách, chiến lược và hành động cho phù hợp với những thay đổi hiện đang diễn ra trong nền kinh tế của chúng ta.
Vì Chương trình nghị sự 2030 đòi hỏi phải lồng ghép mọi khía cạnh của phát triển bền vững nên chúng ta cần áp dụng công nghệ mới để thúc đẩy thực hiện và đạt được các SDG. Do đó, Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các giải pháp tổng hợp có khả năng tạo ra cơ hội quan trọng để đạt được SDG, trong đó tận dụng cả cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và đơn vị đổi mới công nghệ ở Việt Nam để thúc đẩy Tinh thần Kinh doanh vì SDG, trong đó doanh nghiệp đặt nhiệm vụ đạt được SDG làm trọng tâm của mô hình kinh doanh của mình. Dự kiến thị trường SDG, tổng số tiền có thể mang lại nhờ đổi mới để giúp đạt được SDG, sẽ lên tới 13 nghìn tỉ USD, và chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn nữa làm cách nào vừa góp phần lại vừa hưởng lợi từ việc hỗ trợ hoàn thành SDG.
Trong tương lai, khu vực tư nhân trong nước và quốc tế tại Việt Nam phải đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường phát triển bền vững, và nên được coi là thành viên chính thức của cộng đồng xã hội.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như tiêu chuẩn về quyền con người. Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người được xuất bản năm 2011. Nguyên tắc này công nhận sức mạnh và uy thế của khu vực tư nhân trong những năm gần đây đã tăng lên, ảnh hưởng của khu vực tư nhân đối với xã hội cũng lớn hơn; và đi đôi với sự lớn mạnh này, trách nhiệm đối với xã hội, kinh tế và môi trường của khu vực tư nhân cũng tăng lên. Chúng tôi mong muốn hợp tác với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh doanh và nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm cả Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp.
Thưa các quý ông, quý bà,
Trước khi kết thúc phát biểu khai mạc hội nghị, cho phép tôi được khẳng định rằng Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chính sách quan trọng cũng như hỗ trợ thực hiện chính sách đảm bảo sao cho không ai bị bỏ lại phía sau. Với tinh thần này, chúng tôi đã hỗ trợ Chính phủ chuẩn bị Báo cáo Tự nguyện Quốc gia về SDG Báo cáo này sẽ được Chính phủ Việt Nam trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao vào ngày 16/7/2018. Bản thân tôi cũng sẽ tham gia Diễn đàn cùng đoàn đại biểu của Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Tôi tin rằng, thông qua thảo luận tích cực và hiệu quả tại hội nghị này, quý vị có thể đưa ra được nhiều giải pháp hợp lý, trong đó có nhiều hành động phối hợp sáng tạo và cụ thể, và những giải pháp này nên trở thành cốt lõi của các mối quan hệ đối tác mới cần có để thực hiện thành công SDG trước năm 2030 hoặc đến năm 2030.
Xin Cảm Ơn!