Hội nghị triển khai Luật Thanh niên tại thành phố Đà Lạt
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo Luật Thanh niên đã được phê duyệt được thực thi.
Đà Lạt, 28/09/2020 - Sáng nay, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Luật Thanh niên 2020 tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành và các tổ chức thanh niên giải quyết các vấn đề phát triển thanh niên trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ chuyên môn được giao ở cấp địa phương.
Ngoài ra, Luật Thanh niên cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ ở cấp trung ương và địa phương trong việc thực hiện Luật cũng như các sáng kiến và hoạt động liên quan đến thanh niên hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: "Hiện nay, thanh niên Việt Nam chiếm 24,6% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của thanh niên. Thanh niên là rường cột của nhà nước, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước."
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh: "Để Luật Thanh niên thực sự có hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan nhanh chóng hướng dẫn triển khai thực hiện Luật. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thi hành Luật Thanh niên."
Bà Naomi Kitahara đánh giá cao cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam ở các cấp đối với công tác thanh niên, đồng thời khẳng định cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo Luật Thanh niên đã được phê duyệt được thực thi.
Đánh giá quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của Việt Nam hiện nay, Bà Naomi Kitahara cho rằng Việt Nam có lực lượng dân số trẻ lớn nhất rừ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Với ý kiến cho rằng thanh niên không phải là một nhóm đồng nhất, Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: "Không có một giải pháp nào phù hợp cho tất cả thanh niên; do đó, các tỉnh cần cố gắng đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các nhóm thanh niên đa dạng như thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nhập cư, phụ nữ và trẻ em gái và thanh niên đồng tính."
UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng thanh niên Việt Nam sẽ được phát huy hết tiềm năng của mình.