Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy giám sát thực thi Công ước LHQ về Quyền của Người Khuyết Tật"
Phát biểu của Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP (đại diện cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam)
Kính thư quí vị đại biểu
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, Quốc hội
Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD)
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam
Đại diện các cơ quan chính phủ
Đại diện các tổ chức của người khuyết tật, các tổ chức xã hội dân sự
Các đồng nghiệp ở Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển
Các đại biểu tham dự hội nghị
Xin nhiệt liệt chào mừng quí vị tới tham dự hội nghị.
Cho phép tôi có lời chào mừng đặc biệt dành tới Ông Monthian Buntan, một thành viên của Ủy ban Công ước về Quyền của Người khuyết tật. Ông mới trở về từ Geneva sau khi tham dự Kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Công ước và tới tham gia hội nghị với chúng ta. Ông là một trong những chuyên gia quốc tế hàng đầu về Công ước về Quyền của Người khuyết tật cũng như về pháp luật quốc tế về nhân quyền. Những kinh nghiệm của ông với tư cách là thành viên Ủy ban đồng thời là một nhà hoạt động xã hội ở Thái Lan sẽ giúp cung cấp những hiểu biết về luật lệ cũng như kinh nghiệm thực tiễn về việc làm thế nào để chuyển hóa các nguyên tắc và cam kết trong Công ước thành các chính sách và hành động thực thi cụ thể.
Hội nghị này được tổ chức vào thời điểm rất phù hợp, khi Việt Nam đang chuẩn bị báo cáo ban đầu về thực thi Công ước về Quyền của Người khuyết tật, thời điểm để chúng ta cùng trao đổi về các tiến bộ đã đạt được trong việc triển khai tính từ thời điểm phê chuẩn Công ước vào cuối năm 2015. Những trao đổi này sẽ là cơ sở cho việc đảm bảo hòa nhập tốt hơn, quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, ước tính là chiếm khoảng 1 phần 7 dân số gồm cả người lớn và trẻ em ở Việt Nam hiện sống chung với một dạng khuyết tật nhất định.
Gần hai năm đã trôi qua từ thời điểm Liên Hợp Quốc thông qua chương trình phát triển toàn cầu mới hướng tới “Biến đổi Thế giới của Chúng ta”. Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững chính là cam kết loại trừ đói nghèo, loại trừ việc bị gạt ra bên lề phát triển và bạo lực. Nhằm đạt tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam, các nhu cầu cụ thể của người khuyết tật cần được bảo đảm ở mỗi và toàn bộ các mục tiêu. Tháng 6 năm ngoái, Chính phủ đã thông qua Chương trình Hành động Quốc gia về thực thi Công ước về Quyền của Người khuyết tật. Đây là một hành động có tính đột phá giúp đảm bảo thực thi các cam kết về Công ước và Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Từ khi Công ước được phê chuẩn, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Chính phủ trong quá trình xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia, hỗ trợ đẩy mạnh các cơ chế giám sát bao gồm xây dựng các chỉ số cho theo dõi và báo cáo, chuẩn bị cho báo cáo ban đầu về thực thi Công ước. Giám sát công tác nhân quyền có vai trò thiết yếu trong hỗ trợ Nhà nước thực thi hiệu quả Công ước ở tầm quốc gia. Giám sát hiệu quả sẽ giúp người khuyết tật nhận thức đầy đủ hơn về quyền của họ, từ đó mang lại các thay đổi tích cực tới đời sống của người khuyết tật.
Công tác nhân quyền yêu cầu sự chuẩn bị, kỹ năng và hiểu biết kỹ thuật để có thể triển khai một cách hiệu quả. Vì vậy, tôi hy vọng các thảo luận tại hội nghị sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận cởi mở và hỗ trợ các tổ chức của người khuyết tật, người khuyết tật và những tổ chức giám sát nhân quyền—bao gồm cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ--tham gia vào công tác giám sát quyền của người khuyết tật, phù hợp với nội dung Công ước.
Phụ nữ và trẻ em khuyết tật thường là những nhóm bị gạt ra ngoài lề trong xã hội và phải đối mặt với nhiều thách thức về nhân quyền. Trong một thời gian dài, các thách thức như vậy được xem là không thể tránh khỏi do hệ quả của khuyết tật về thể chất, thần kinh hay giác quan. Tôi hy vọng thảo luận tại hội nghị sẽ tập trung vào các thách thức chuyên biệt mà phụ nữ và trẻ em khuyết tật gặp phải và giúp đưa ra các giải pháp tích cực.
Quyền của người khuyết tật là nhân quyền. Trong thời gian tới, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục là đối tác cam kết thúc đẩy để “các quyền trở thành hiện thực” với người khuyết tật ở Việt Nam. Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách và các chương trình phát triển phù hợp với triển khai Công ước và đạt tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững có liên quan. Các hỗ trợ này bao gồm việc đảm bảo có số liệu chính xác về người lớn cũng như trẻ em khuyết tật giúp công tác xây dựng chính sách và các chương trình hoạt động; việc xây dựng chuẩn mực các dịch vụ hòa nhập cho người khuyết tật trong đó việc nhận dạng và can thiệp sớm với trẻ em khuyết tật là vô cùng quan trọng. Giám sát việc hòa nhập, không phân biệt đối xử và bảo vệ quyền tham gia của các tổ chức của người khuyết tật sẽ tiếp tục là trọng tâm các nỗ lực chung của chúng ta.
Cho phép tôi một lần nữa nhấn mạnh các cam kết của Liên Hợp Quốc tiếp tục hợp tác với Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các bên có liên quan khác tại Việt Nam trong việc đảm bảo cho mọi người có quyền hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa. Tôi hy vọng hội nghị sẽ thảo luận sôi nổi và có nhiều kiến nghị về các hành động chung nhằm bảo vệ và đảm bảo người khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ và bình bẳng mọi quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Xin cảm ơn.