Lễ Mít-tinh và diễu hành cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2017
Phát biểu của bà Marie-Odile Emond, Giám đốc quốc gia, UNAIDS tại Việt Nam
Kính thưa Ngài Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS, Ma túy, Mại dâm
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS, Ma túy , Mại dâm
Kính thưa các quý vị Lãnh đạo Đảng úy và Ủy ban Nhân Dân tỉnh Hải Dương
Kính thưa các vị khách quý, các đồng nghiệp và các bạn,
Tôi rất hân hạnh được thay mặt cho Nhóm Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS được tới tham dự lễ mit-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay tại Thành phố Hải Dương, đánh dấu một năm với những bước tiến quan trọng của thế giới và của Việt Nam trên chặng đường dài đầy quyết tâm chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Với ý chí quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ, đồng thời huy động các nguồn đầu tư to lớn và duy trì mối quan hệ đối tác quốc tế vững vàng, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc phòng, chống HIV của nước nhà. Nhờ tiến hành có hiệu quả các chiến lược dự phòng và điều trị, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2016, ước tính Việt Nam đã ngăn ngừa được gần nửa triệu ca nhiễm HIV mới và cứu được gần 150.000 sinh mạng thoát khỏi tử vong do liên quan đến AIDS.
Và những bước tiến trong phòng, chống AIDS của Việt Nam vẫn đang tiếp tục – từng ngày, từng ngày - với số người xét nghiệm HIV ngày một nhiều hơn, và nếu kết quả xét nghiệm dương tính, người dân nhanh chóng được đưa vào chương trình điều trị HIV một cách hiệu quả. Điều trị tốt giúp những người dân của chúng ta có cuộc sống lâu dài hơn, khỏe mạnh hơn, tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội và chăm sóc gia đình. Hơn nữa, điều trị tốt sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ lây truyền của loại vi-rút này. Năm 2017 tiếp tục là một năm ghi nhận các thành tựu thực sự đầy ấn tượng về phòng chống HIV của Việt Nam: 9 năm liên tiếp giảm số lượng các ca nhiễm HIV mới và giảm số tử vong liên quan đến AIDS. Chúng ta vô cùng tự hào với những thành tựu này của Việt Nam.
Dồn tổng lực cho công cuộc phòng chống HIV để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 là một mục tiêu đầy tham vọng. Song, những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được vẫn chưa phải là thắng lợi toàn diện, các thách thức và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn ở mức độ cao . Kinh nghiệm của những năm tháng trước đây luôn là nguồn động viên cho chúng ta vững tin về những thành tựu có thể đạt được, nhưng đoạn cuối của hành trình hướng tới kết thúc dịch AIDS còn rất phức tạp với những thử thách mới đang chờ ở phía trước.
Kính thưa các vị lãnh đạo, quý vị đại biểu, các đồng nghiệp và các bạn,
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một lần nữa khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt từ các nhà lãnh đạo của Việt Nam để có đủ nguồn lực, hoàn tất chỉ tiêu 90-90-90 và tiến tới kết thúc dịch AIDS. Năm nay, cam kết này đã được tái khẳng định trong Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới, và trong Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương đã và đang thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình theo hướng này.
Đối với dịch AIDS, chúng ta đã biết cần tập trung sức lực vào những can thiệp nào để tạo ra tác động lớn nhất: đó là những cách thức sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ phòng chống HIV toàn diện cho người dân, chú trọng vào các hoạt động giảm hại, tiếp cận cộng đồng, chú trọng dự phòng, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone, sử dụng bao cao su, dầu bôi trơn, dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, xét nghiệm HIV sớm, điều trị sớm, kiểm soát tải lượng vi-rút, chăm sóc và hỗ trợ trong một môi trường không kì thị và phân biệt đối xử.
Chúng ta biết cần có đủ nguồn lực đầu tư ngay lúc này, cho các can thiệp đã chứng minh có hiệu quả, tại những nơi dịch đang hoành hành, hướng tới các nhóm đích là những người dân đang có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đó là cách đi đúng hướng của Việt Nam, giúp Việt Nam duy trì và phát huy được những thành quả đã có và tiến bước nhanh hơn trên hành trình hoàn thành chỉ tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc dịch AIDS. Để hoàn thành được sứ mạng này, tất cả chúng ta hãy cùng nhau sẻ chia trách nhiệm, huy động các nguồn đầu tư lớn hơn nữa, tối đa hóa tất cả các nguồn nhân lực, vật lực sẵn có trong nước và quốc tế ở tất cả các cấp, để tạo hiệu quả và tác động lớn hơn cho công cuộc phòng chống AIDS của chúng ta.
Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, chúng ta hãy cùng tưởng nhớ tới tất cả những đồng bào của chúng ta đã thiệt mạng vì AIDS. Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ đến những người đã khuất là chúng ta một lần nữa khẳng định rằng trong tâm khảm của chúng ta luôn tràn đầy tình yêu thương, tình đoàn kết, tôn trọng nhân phẩm và quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe của mọi người dân, giúp cho mọi người dân của chúng ta hiểu biết về phòng tránh HIV, đi xét nghiệm, tiếp cận an toàn với dịch vụ điều trị có chất lượng, trong một môi trường không kì thị và phân biệt đối xử. Cốt lõi của tất cả những nỗ lực đó là để không một người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.
Tình thế khẩn cấp, nhưng chúng ta cũng có nhiều cơ hội. Hành trình tiến tới kết thúc dịch AIDS của Việt Nam đang tiếp diễn với những quyết tâm mới. Mỗi người chúng ta hãy đảm nhận một phần trách nhiệm trong hành trình chung tiến tới khống chế HIV và kết thúc dịch AIDS.
Như Ngài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nói, " Hãy cùng chung tay để hoàn tất các mục tiêu 90-90-90 với quyết tâm 100-100-100% và cao hơn nữa! " , hướng tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe!