Sự sãn sàng cho giáo dục trẻ khuyết tật nghiên cứu tại 8 tỉnh ở Việt Nam
Vào năm 2014, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành nghiên cứu về sự sẵn sàng trong giáo dục cho trẻ khuyết tật tại tám trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong số đó đoàn đã đi thực địa 3/8 tỉnh gồm Điện Biên, Ninh Thuận và Kon Tum. Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu mức độ sẵn sàng của hệ thống giáo dục và của cộng đồng trong việc cung cấp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cũng như sự sẵn sàng của bản thân trẻ trong việc đi học. UNICEF đã hợp đồng với một nhóm các chuyên gia của Trường đại học Toronto, Canada để cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu.
Các phát hiện từ nghiên cứu này đã nêu bật những điểm mấu chốt trong chính sách và thực hành giáo dục nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho các bé trai và bé gái khuyết tật. Nghiên cứu chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục suốt hơn 25 năm qua và chắc chắn sẽ đạt các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ liên quan đến giáo dục vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ liên quan đến những nhóm trẻ hiện còn đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận giáo dục như trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số. Rào cản trong tiếp cận giáo dục đối với nhóm trẻ này bao gồm cả việc tiếp cận về mặt thể chất tới cơ sở vật chất trường học cũng như chất lượng, nội dung chương trình hiện hành.
Nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị chú trọng vào việc thi hành các chính sách hiện hành nhằm cải thiện công bằng trong tiếp cận giáo dục cũng như nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan chỉ đạo và phía các đơn vị, các cá nhân cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như nhận thức của chính người khuyết tật về các chính sách dành cho họ. Đặc biệt các khuyến nghị nhấn mạnh việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở GD&ĐT song song với đổi mới quản lý dữ liệu, thông tin làm bằng chứng cho lập kế hoạch, theo dõi, giám sát chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ chú trọng hơn tới việc đào tạo, tuyển dụng và phân bố giáo viên làm việc với những nhóm trẻ này.