Thông cáo báo chí

Nâng cao chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng của các phòng kiểm nghiệm dư lượng

22 tháng 9 2021

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD) tổ chức chương trình đào tạo “Nâng cao chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng của các phòng kiểm nghiệm dư lượng” vào ngày 21 tháng 9 năm 2021 vừa qua.

Chương trình đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ dự án đang thực hiện tại Việt Nam mang tên “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long”, là một hợp phần của Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu do Cục Kinh tế Liên bang Thụy sĩ (SECO) tài trợ.

Caption: Hội thảo: Nâng cao chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng của các phòng kiểm nghiệm dư lượng
Photo: © UNIDO

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó cục trưởng cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết “Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO và hỗ trợ tài chính của SECO. Chương trình đào tạo được thiết kế cho 5 trung tâm kiểm nghiệm chất lượng được lựa chọn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình rất thiết thực và hữu ích cho cán bộ phân tích của các phòng thí nghiệm. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cấp các quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ của các trung tâm được lựa chọn”.

Ông Nima Bahramlian, giám đốc dự án của UNIDO cho biết thêm “UNIDO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo rằng các sản phẩm trước khi vào thị trường toàn cầu đều được kiểm tra đầy đủ theo các tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu về đánh giá sự phù hợp. Các quốc gia bắt buộc phải vận hành các phòng kiểm nghiệm có khả năng kiểm tra các sản phẩm và mẫu để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế ”.

Ông Đỗ Quang Huy, Cán bộ chương trình của SECO chia sẻ  “Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở thương mại lớn nhất. Do đó chúng ta phải nhìn vào vấn đề chất lượng. Hy vọng dự án này sẽ giải quyết được phần nào vấn đề về chất lượng và các rào cản thương mại để thâm nhập vào các thị trường lớn hơn. Hệ thống kiểm soát chất lượng là rất quan trọng. Để giúp các nước có thu nhập trung bình tham gia hiệu quả vào thị trường, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng đạt chuẩn quốc tế là một trong những ưu tiên của chính phủ Thụy Sĩ nhằm giúp Việt Nam tham gia vào hệ thống, dựa trên các quy tắc thương mại công bằng. Dự án tiêu chuẩn chất lượng này là một trong những dự án trọng điểm của SECO đối với Việt Nam. Vấn đề chất lượng sẽ đồng hành với vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với câu chuyện chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

Chương trình đào tạo sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2021, bao gồm nhiều buổi khác nhau với các nội dung: kiểm soát chất lượng nội bộ, xác định và giải thích kết quả đo so với MRL, đánh giá thống kê, nguyên tắc lấy mẫu, chương trình giám sát, kiểm tra và kiểm soát trước khi xuất khẩu, v.v.…. Chương trình đào tạo góp phần phát triển năng lực quốc gia trong việc thử nghiệm sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị thử nghiệm, nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, và cũng để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

Thao_for website

Le Thanh Thao

UNIDO
Đại diện Quốc gia
Bà Lê Thanh Thảo có hơn hai mươi năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và kinh doanh ở cả cấp chính sách và cấp thực hành tại cơ sở. Bà đã làm việc tại Văn phòng Quốc gia UNIDO Việt Nam từ năm 2008 với tư cách là Cán bộ Chương trình Quốc gia và sau đó là Đại diện Quốc gia, phụ trách điều phối và giám sát các dự án và chương trình của UNIDO tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm phát triển khu vực tư nhân/doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh thương mại; công nghiệp và thương mại; năng lượng và môi trường; khu công nghiệp sinh thái; chế biến nông sản và phát triển chuỗi giá trị; v.v ... Bà Thảo cũng tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách với Chính phủ Việt Nam về các lĩnh vực như cạnh tranh công nghiệp, xúc tiến đầu tư, công nghiệp xanh, công nghệ khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như kinh tế tuần hoàn.
Trước khi gia nhập UNIDO, Bà quản lý công ty riêng của mình, cung cấp tư vấn đầu tư và xúc tiến thương mại cho các tiểu ngạch của nghành chế biến, chế tạo. Bà sở hữu bằng Thạc sĩ điều hành cao cấp của Trường Kinh doanh Shidler thuộc trường Đại học Hawaii tại Manoa, Hoa Kỳ (2004-2006). Trước đó, Bà đã nhận được một bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNIDO
United Nations Industrial Development Organization

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này