Tài liệu quảng bá về báo cáo đánh giá đã được chia sẻ tại Hội nghị, là kết quả của nỗ lực vận động và hỗ trợ kỹ thuật chung của LHQ.
Việt Nam đã triển khai các hoạt động để tăng cường giảm thiểu và khắc phục rủi ro thiên tai sau khi ban hành Luật Phòng chống thiên tai vào năm 2013 và cam kết thực hiện Chương trình Khung Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015-2030. Mặc dù đã có những bước đi tích cực, các chỉ số giám sát và hệ thống báo cáo về giảm thiểu rủi ro thiên tai vẫn không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Chương trình khung Sendai.
LHQ tại Việt Nam đã lên kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực giám sát và báo cáo quốc gia của Tổng cục phòng chống thiên tai Việt Nam (VDMA), cơ quan được giao nhiệm vụ điều phối việc thực hiện Chương trình khung Sendai tại Bộ NN&PTNT. Được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chỉ đạo và LHQ cung cấp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, Tổng cục đã cử một nhóm xây dựng báo cáo đánh giá tự nguyện “Thực trạng thực hiện Chương trình khung Sendai của Việt Nam và khuyến nghị hướng tiếp theo” thông qua phân tích và tổng hợp thông tin cập nhật từ các báo cáo khác nhau. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng châu Á năm 2018 về giảm thiểu rủi ro thiên tai, đoàn liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Thắng dẫn đầu đã trình bày báo cáo đánh giá tự nguyện này, củng cố hơn nữa cam kết quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai và khuyến khích hành động cụ thể để tăng cường hệ thống giảm thiểu rủi ro thiên tai của Việt Nam.
Nhóm kết quả chung về giảm thiểu rủi ro thiên tai để tăng khả năng chống chịu của LHQ (DRR4R), với chuyên môn kỹ thuật từ các cơ quan LHQ, đã hỗ trợ kỹ thuật cho phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng, trong đó có hỗ trợ đảm bảo chất lượng của báo cáo đánh giá. Báo cáo này do Việt nam tự nguyện tiến hành dựa trên các chỉ số của Chương trình khung Sendai. Đại diện của Hội Phụ nữ Việt Nam cũng được hỗ trợ tham gia Hội nghị và đã nêu các vấn đề giới cũng như chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo và tham gia của phụ nữ trong giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Tài liệu quảng bá về báo cáo đánh giá đã được chia sẻ tại Hội nghị, là kết quả của nỗ lực vận động và hỗ trợ kỹ thuật chung của LHQ. Tài liệu này được nhiều đại biểu hoan nghênh, đánh dấu tài liệu báo cáo đầu tiên về Chương trình chung Sendai của Việt Nam. Tài liệu này đã giúp Bộ NN&PTNT và Tổng cục phòng chống thiên tai (là hai cơ quan đi đầu trong hệ thống giảm thiểu rủi ro thiên tai của Việt Nam) và các cơ quan chính phủ khác (Bộ KH&ĐT và Hội Phụ nữ Việt Nam) giảm khoảng trống thông tin trong giám sát và báo cáo Khung Sendai. Các cán bộ chính phủ chủ chốt về giảm thiểu rủi ro thiên tai đã tăng cường hiểu biết về các lĩnh vực ưu tiên của các mục tiêu Sendai và củng cố cam kết của Việt Nam trong thực hiện Khung Sendai và các mục tiêu SDG liên quan đến giảm thiểu rủi ro thiên tai. Sau Hội nghị Bộ trưởng 2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục phòng chống thiên tai sửa đổi dự thảo Chiến lược quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với trọng tâm mới là lựa chọn chỉ số phù hợp với Sendai và các mục tiêu SDG có liên quan và xây dựng nghị định hướng dẫn phục hồi sau thảm họa.