Tháng 9 năm 2018, LHQ tại Việt Nam đã mời một đoàn vận động trẻ em và thanh thiếu niên đến chia sẻ quan điểm của họ với các cán bộ Quốc hội chủ chốt.
Vào tháng 9 năm 2018, LHQ tại Việt Nam đã mời một đoàn vận động trẻ em và thanh thiếu niên đến chia sẻ quan điểm của họ với các cán bộ Quốc hội chủ chốt tại hội thảo đối thoại chính sách trước phiên họp Quốc hội về cải cách Luật Giáo dục. Buổi hội thảo trước phiên họp chính thức đã cho trẻ em và thanh thiếu niên có cơ hội thảo luận về những khoảng trống trong quyền trẻ em đối với giáo dục và để đạt được sự đồng thuận về các lĩnh vực cải cách. LHQ đã sử dụng phân tích chính sách và pháp lý liên quan đến trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và sử dụng nghiên cứu trẻ em ngoài trường học để vận động cải cách nhằm đảm bảo mọi trẻ em ở Việt Nam đều có thể được tiếp cận giáo dục.
Một trong những nhà vận động trẻ tuổi là Toàn. Sinh năm 1994 tại thành phố Hồ Chí Minh, Toàn đã hoàn thành bằng cử nhân về công nghệ thông tin. Toàn, người đã bị suy giảm khả năng vận động từ khi 18 tháng tuổi, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về lần đầu tiên đi học tại một trường mầm non chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật nhưng sau đó chuyển sang học hòa nhập. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập, và nói rằng: “Tôi ước rằng giáo dục hòa nhập sẽ được áp dụng ở tất cả các trường học ở Việt Nam, để trẻ khuyết tật sẽ có cơ hội tiếp cận cùng hệ thống giáo dục, cùng lượng kiến thức như các học sinh khác và do đó sẽ có thể sử dụng năng lực và tiềm năng của chính mình.”
Một nhà vận động khác là Vang Thị Thu Hà, một em gái 14 tuổi ở cộng đồng Mông đến từ tỉnh Lào Cai. Khi còn học tiểu học, Hà đã theo học một trong số ít trường học ở tỉnh cô áp dụng phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (MTBBE). Hà đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào trường trung học cơ sở tốt nhất của huyện và nhận được học bổng toàn phần từ Chính phủ. Trong bài phát biểu của mình, Hà chia sẻ mối quan tâm và hy vọng về giáo dục dân tộc thiểu số, nhiệt tình ủng hộ việc mở rộng phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, để “tất cả trẻ em dân tộc thiểu số có thể tham gia các lớp học song ngữ và do đó có cơ hội tốt hơn để học tập và thích nghi với cộng đồng”.
Bị ấn tượng bởi niềm đam mê và tài hùng biện của đoàn vận động trẻ em và thanh thiếu niên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội Việt Nam cam kết phấn đấu có giáo dục hòa nhập cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em khuyết tật cũng như trẻ em dân tộc thiểu số, như một trụ cột chính trong Luật Giáo dục sửa đổi.