Thông cáo báo chí

Đánh giá tác động các chính sách dành cho giáo viên tại những tỉnh khó khăn của Việt Nam

19 tháng 6 2017

  • Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017 – nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020, một khảo sát về đánh giá tác động của các chính sách hiện hành dành cho giáo viên (cấp tiểu học và trung học cơ sở) đối với công tác giáo dục trẻ em ở những vùng nú, vùng sâu, xa và có điều kiện kinh tế khó khăn đã được thực hiện. Kết quả từ cuộc khảo sát này sẽ đóng góp vào việc đưa ra các khuyến nghị đối với việc điều chỉnh và thay đổi các chính sách nhằm cải thiện điều kiện dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những tỉnh nghèo của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (DTEA), từ ngày 28/5/2017 đến 16/6/2017, cuộc khảo sát về nội dung nói trên đã được thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, Ninh Thuận, Kon Tum, Lai Châu, Gia Lai và Bình Thuận.

Khảo sát này là một trong những hoạt động được thực hiện sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch Hành động về Bình đẳng giới của ngành giáo dục, giai đoạn 2016-2020. Khảo sát này được thực hiện là góp phần đạt được mục tiêu số 2 trong 6 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch hành động. Mục tiêu số 2 nhằm "giảm khoảng cách trong việc tiếp cận với giáo dục phổ thông giữa trẻ em trai và trẻ em gái, chú trọng tới việc cả thiện tỉ lệ mù chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn."

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT-UNESCO thực hiện sáng kiến về Bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam, cuộc khảo sát này nhắm tới việc đánh giá các chính sách trong công tác tuyển dụng, chế độ lương và các cơ hội đào tạo cho giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, cũng như xem xét những chính sách này tác động ra sao đối với công tác giáo dục trẻ em. Phạm vi khảo sát bao gồm các tỉnh thuộc vùng sâu, xa, vùng núi, nông thôn, nơi có đông người dân tộc thiểu số.

Khảo sát thực địa được thực hiện ở 3 tỉnh Điện Biên, Ninh Thuận và Kon Tum với các cuộc phỏng vấn và thảo luận nhóm trực tiếp. Trong khi đó, khảo sát online được thực hiện tại 3 tỉnh Lai Châu, Gia Lai và Bình Thuận với các bộ câu hỏi gửi qua e-mail. Tham gia khảo sát là các giáo viên học sinh và cán bộ quản lý các trường tiểu học và trung học cơ sở, cán bộ xã, cán bộ phòng giáo dục và cha mẹ học sinh.

Tổng số có 210 người tham gia vào cuộc khảo sát này, các phát hiện ban đầu của cuộc khảo sát chỉ ra cho thấy các tác động tích cực của chính sách hiện hành dành cho giáo viên đối với việc tiếp cận giáo dục của trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các phát hiện ban đầu cũng cho thấy, tại một vài tỉnh, có một số vấn đề về lực học của học sinh nghèo, học sinh bỏ học, vấn đề về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, về định kiến giới đối với các em trai phải là người "kiếm cơm" của gia đình nên đã khiến các em phải nghỉ học để đi làm.

Phát hiện ban đầu cũng cho thấy rằng những thay đổi bất ngờ trong chính sách liên quan đến các điều kiện về chế độ làm việc của giáo viên có thể gây ra những tác động tiêu cực đến các thành tựu giáo dục đã được ghi nhận, ví dụ như tỉ lệ trẻ đến trường, tỉ lệ mù chữ và kết hôn sớm. Trong số các nhóm tham gia khảo sát, rất nhiều giáo viên đã bày tỏ lo lắng đối với sự ổn định về thu nhập và công việc của họ. Các giáo viên mong muốn nhận được những thông tin rõ ràng hơn cũng như cách thức thực hiện các chính sách giáo dục được cụ thể và minh bạch hơn, đặc biệt là về vấn đề liên quan đến chế độ biên chế của giáo viên. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng có nhu cầu cần được nâng cao năng lực để có thể trang bị cho bản thân những kiến thức và kỹ năng cần thiết, phục vụ cho công tác giảng dạy được tốt hơn .

Với sự hỗ trợ của UNESCO, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ thực hiện việc phân tích các dữ liệu thu thập được và sẽ xây dựng báo cáo khảo sát, kèm theo các khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách giáo dục. Dự kiến, dự thảo lần 1 của báo cáo khảo sát sẽ được hoàn thành và trình bày tại Hội thảo tham vấn lần một vào đầu tháng 7 năm 2017.

Để có thêm thông tin, xin mời liên hệ:

  • Bà Trần Thị Phương Nhung, GIám đốc Chương trình Giới, tại địa chỉ tt.nhung(at)unesco.org
Dung Nguyen pic.JPG

Nguyễn Thị Dung

UNESCO
Trợ lý Trưởng đại diện

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UNESCO
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này