Cuộc họp của Nhóm Đối tác Y tế về dự thảo Kế hoạch Hành động SDG Quốc gia thực hiện các mục tiêu liên quan tới sức khỏe
Bài phát biểu của Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, Youssouf Abdel-Jelil
Kính thưa:
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế,
GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế,
Các đồng nghiệp và các vị khách quý,
Các quý ông, quý bà,
Hôm nay tôi rất vinh hạnh được đồng chủ tọa phiên họp cuối cùng trước Tết Nguyên đán của Nhóm Đối tác Y tế cùng với Bộ trưởng Tiến.
Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững vừa được soạn thảo với sự tham gia của các Bộ ngành của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện xây dựng Kế hoạch Hành động quan trọng này rất kịp thời và đây cũng là một bước quan trọng nhất trong năm đầu tiên khi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) có hiệu lực.
Cuộc họp hôm nay còn là một bước đột phá vì hai lý do:
- Đây là thảo luận liên ngành tập trung đầu tiên ngay sau khi Kế hoạch Hành động Quốc gia về SDG được xây dựng; và
- Cuộc họp hôm nay tái khẳng định cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm của SDGs và sức khỏe là cốt lõi của phát triển con người.
Cùng tiến lên phía trước trong sứ mệnh này, tôi muốn chia sẻ với các quý vị một vài suy nghĩ phản ánh ý nghĩa thực sự của SDG và đây là một nội dung quan trọng.
1) Các mục tiêu SDGs cho chúng ta cơ hội đẩy mạnh tập trung để đạt được bình đẳng cho tất cả mọi người.
Mục tiêu tối thượng của SDG là không bỏ ai lại phía sau. Điều này nhắc nhở chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả những nỗ lực thực hiện phải nhằm giải quyết tình trạng không bình đẳng - là nguyên nhân gây ra sức khỏe yếu kém và cản trở việc đạt được hết các tiềm năng trong phát triển con người.
Cần phải có các hành động rộng lớn hơn nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, cùng với các yếu tố xã hội quyết định và các nguyên nhân cội rễ của tình trạng sức khỏe yếu kém. Ví dụ, tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch còn rất đáng kể giữa các vùng địa lý cũng như giữa người Kinh và các dân tộc ít người. Tỷ lệ tử vong mẹ tại các vùng nông thôn cao gấp hai lần và gấp ba lần tại các vùng dân tộc ít người so với khu vực đô thị người Kinh sinh sống. Xu hướng tương tự cũng thấy ở tỷ lệ tử vong trẻ dưới năm tuổi tại các vùng dân tộc ít người, vùng núi và những khu vực bị thiệt thòi khác.
Cùng nhau xây dựng và thực hiện các kế hoạch tác nghiệp về chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các dân tộc ít người, người nhập cư, trẻ em, người chưa thành niên, LGBT, những người đang sống chung với HIV, người khuyết tật... được đặt ở vị trí trọng tâm, và mọi chỉ số giám sát mà chúng ta xây dựng cần phản ánh được các can thiệp của chúng ta có tiếp cận được tới họ không, và có mang lại tác động gì tới cuộc sống của những nhóm dân số này không.
2) Chăm sóc sức khỏe là một chương trình nghị sự phát triển.
Các mục tiêu SDGs còn cung cấp cho chúng ta nền tảng để đưa chăm sóc sức khỏe thành chương trình nghị sự phát triển. Một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động phụ thuộc vào một dân số khỏe mạnh và có năng suất cao. Lịch sử của các nền kinh tế phát triển cao trên thế giới đã cho chúng ta thấy cần thực hiện xây dựng chính sách cùng với các cải cách mạnh mẽ trong chăm sóc sức khỏe, tập trung cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thiết yếu và xây dựng một hệ thống chính sách tài chính y tế hữu hiệu hỗ trợ cho bảo hiểm Y tế toàn dân. Đây là nội dung rất quan trọng cho một nước Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, trong lúc các hỗ trợ quốc tế đang giảm dần.
3) Muốn đạt được các mục tiêu SDGs cần có sự tham gia của cả quốc gia và do đó các hoạt động đa ngành là tối quan trọng.
SDGs không chỉ là các chỉ số đo lường được – đó là những nỗ lực đa ngành ở cấp toàn cầu, toàn khu vực và toàn quốc gia, hướng tới giải quyết một cách toàn diện những nhu cầu đa dạng của những nhóm dân số năng động.
Mối liên quan tương hỗ chặt chẽ của SDGs tạo nên khung hành động xây dựng các xã hội và cộng đồng hỗ trợ việc đạt được sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc. Khoảng 75% các chỉ số về sức khỏe phụ thuộc vào điều kiện sống và làm việc của người dân. Các chính sách đúng đắn về môi trường và biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, giao thông và chất lượng không khí, bảo trợ xã hội và năng suất kinh tế sẽ mang lại tình trạng sức khỏe tốt.
Ngành Y tế cần đẩy mạnh quan hệ đối tác với các ngành khác và thúc đẩy hơn nữa đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các đối tác (bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân). Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo chúng ta có thể đạt được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe và sức khỏe có thể đóng góp tích cực để đạt được các mục tiêu khác.
4) Trách nhiệm giải trình của các bên là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu SDGs.
Các mục tiêu SDGs yêu cầu Chính phủ và các đối tác cùng làm việc để đạt được các mục tiêu này. Vì thế, mỗi cơ quan tổ chức cần xem xét kỹ lưỡng xem chương trình nghị sự của mỗi tổ chức có thể đóng góp được gì trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam.
Chúng ta – các đối tác của Chính phủ cần xem xét chương trình hợp tác phát triển có thể đóng góp được gì cho việc đạt được các mục tiêu SDGs của Việt Nam, với các nhu cầu và giai đoạn cụ thể. Điều này đòi hỏi đối thoại và lập kế hoạch kỹ càng. Chúng ta cần thể hiện cam kết của mình với tầm nhìn chiến lược chung và phù hợp với các mục tiêu SDGs của Việt Nam và các nguyên tắc hợp tác hiệu quả được thống nhất trong các văn kiện của Nhóm Đối tác Y tế.
Chúng ta cần hợp tác hỗ trợ Kế hoạch Hành động Quốc gia SDG và xây dựng các chiến lược đặc thù để thực hiện thành công Kế hoạch Hành động nhằm đạt được các cải thiện bền vững trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
LHQ tại Việt Nam luôn song hành cùng với các đối tác phát triển khác hỗ trợ một cách tiếp cận toàn quốc để đạt được các mục tiêu SDGs của Việt Nam. LHQ tập hợp được nhiều kinh nghiệm kỹ thuật và chiến lược đa dạng phù hợp với các mục tiêu SDGs và chúng tôi cam kết sẽ luôn sẵn sàng mang những kinh nghiệm sẵn có của mình hỗ trợ ngành Y tế và các ngành khác.
Để kết thúc, thay mặt LHQ và các đối tác, tôi xin cảm ơn Bộ Y tế, đặc biệt là Bộ trưởng Tiến, đã cho tôi cơ hội đồng chủ tọa cuộc họp hôm nay.
Chúc cuộc họp của chúng ta đạt nhiều kết quả.
Xin cám ơn!