Diễn đàn Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh
Bài phát biểu của bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn Phòng UN Women tại Việt Nam, Diễn đàn Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh
- Kính thưa
- Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam
- Ông Nguyễn Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- Kính thưa các vị khách quý, các quý vị đại biểu, và các đồng nghiệp thân mến,
Chào mừng các quý vị đến với Diễn đàn "Phụ nữ và tương lai của nền Kinh Tế Xanh".
Tôi cảm thấy rất vinh dự được có mặt tại diễn đàn ngày hôm nay.
"Tương lai mà chúng ta mong muốn" – là tiêu đề một văn kiện được xây dựng tại Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về Phát triển Bền vững, năm 2012. Văn kiện này đã nêu rõ tầm quan trọng của bình đẳng giới và yêu cầu phải nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua ba trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, văn hóa và môi trường. Văn kiện cũng đồng thời ra nghị quyết tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình hoạch định các chính sách, chương trình cũng như trong quá trình ra quyết định liên quan đến phát triển bền vững tại tất cả các cấp.
Phụ nữ, như quý vị đã biết, vẫn là một trong những nhóm dân số chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Phụ nữ chiếm tới 70% trong số 1,3 tỷ người sống dưới mức 1 đô la Mỹ một ngày. Phụ nữ cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên chung như nước, lương thực, hay tài nguyên rừng và dễ bị tổn thương nhiều hơn trước các tác động của suy thoái tài nguyên thiên nhiên.
Các cuộc tranh luận quốc tế ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi các nền kinh tế và xã hội theo lộ trình bền vững hơn, hướng đến xây dựng "nền Kinh Tế Xanh".
Hiện nay, các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đang sôi nổi thảo luận về kinh tế xanh. Theo tổ chức Môi trường LHQ (UNEP), tổ chức đã phát động Sáng kiến kinh tế xanh năm 2018 thì nền kinh tế xanh là nền kinh tế hướng đến cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể rủi ro về môi trường và sự suy kiệt về sinh thái; đó là nền kinh tế với lượng khí thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển xã hội toàn diện (UNEP, 2011). Nền kinh tế xanh được tin tưởng sẽ giải quyết các quan ngại về kinh tế, xã hội và môi trường theo các mô hình bền vững.
Vì thế, kính thưa các vị đại biểu, nền kinh tế xanh chính là một thời kỳ của các cơ hội phát triển
Hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh đồng nghĩa với việc gia tăng Việc Làm Xanh – một mô hình không chỉ giảm thiểu các tác động môi trường tiêu cực mà mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt - theo khuyến nghị của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc làm bền vững
Ví dụ như dự án "Hoạt động vì nước" tại Nam Phi là một dự án vì cộng đồng, giúp đào tạo người dân loại bỏ các cây trồng xâm lấn khác biệt, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch. Dự án đã thực hiện thành công các nỗ lực nhằm đặc biệt tuyển chọn phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật tham gia dự án.
Thưa các quý vị đại biểu, thời kỳ của nền kinh tế xanh cũng là thời kỳ thách thức các định kiến giới và phân biệt đối xử giới
Tại Bangladesh, trong khuôn khổ của một dự án lớn nhằm đưa điện đến các khu vực nông thôn thông qua lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà, phụ nữ đã được đào tạo để lắp đặt và sửa chữa các tấm năng lượng mặt trời và ổ cắm điện. Nhờ dự án này mà họ đã được đào tạo để làm việc giống như những "thợ điện nông thôn".
Một ví dụ khác tại Mỹ, đã có nhiều chương trình nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia vào các cơ hội Việc Làm Xanh thông qua phát triển kỹ năng và kết nối mạng lưới, trong đó có chương trình "Phụ nữ học việc và tham gia các công việc phi truyền thống". Chương trình này hỗ trợ cấp ngân sách cho các tổ chức cộng đồng, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các công việc phi truyền thống như kỹ sư, thợ kỹ thuật, nhưng nhóm công việc được trả lương cao nhất ở Mỹ.
Và như thế, theo tiêu chuẩn thị trường lao động truyền thống đây thực sự là một bước tiến mang tính cách mạng, thách thức các định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp.
Ngoài ra, thưa các quý vị đại biểu, xây dựng một nền kinh tế xanh chính là cơ hội để nâng cao quyền năng cho phụ nữ
Có thể nhìn thấy rõ điều này trong các phong trào và tập thể do phụ nữ lãnh đạo, nhằm thiết lập chủ quyền về thực phẩm và tài nguyên cũng như xây dựng cộng đồng và thành phố bền vững.
Một ví dụ điển hình là mạng lưới các lãnh đạo nữ cấp cơ sở tại Nam Á. Mạng lưới được xây dựng nhằm tăng cường năng lực, tiếng nói, và vai trò lãnh đạo cho phụ nữ trong giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương trước tình hình biến đổi khí hậu trong cộng đồng của họ và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, chúng ta không được quên rằng phát triển bền vững hay xây dựng một kinh tế xanh không tự động đảm bảo các mục tiêu về bình đẳng giới.
Bình đẳng giới có thể có tác động xúc tác nhằm đạt được mục tiêu bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường nhưng điều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta không thể giả định rằng giữa mục tiêu bình đẳng giới và bền vững có một mối quan hệ tương quan đơn giản, đôi bên cùng có lợi.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ được coi là đối tượng đóng vai trò chính, hay còn gọi là- "cứu tinh cho phát triển bền vững" ví dụ như trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu; trong vai trò là người sản xuất nhỏ nắm giữ trụ cột sản xuất, hay nguy hiểm hơn là thông qua việc hạn chế quyền sinh sản của họ để giải quyết các vấn đề dân số - môi trường.
Các chính sách, chương trình coi phụ nữ là cứu tinh cho phát triển bền vững cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, cuộc sống và nhu cầu của bản thân người phụ nữ, cũng như nhiều yêu cầu khác nhau đối với quỹ thời gian của họ. Cách tiếp cận như thế dựa trên quan niệm cho rằng quỹ thời gian của phụ nữ là "nhiều vô hạn" và là nguồn tài nguyên không giới hạn.
Hay, một số chính sách khác lại dựa trên nền tảng các khuôn mẫu giới về trách nhiệm chăm sóc gia đình, cộng đồng và môi trường của phụ nữ. Các chính sách này đều có đặc điểm chung là đánh đồng phụ nữ như nhau mà không cân nhắc nhu cầu, mối quan tâm, kiến thức, giá trị, cơ hội và khả năng của phụ nữ. Các chính sách này làm gia tăng khối lượng công việc của phụ nữ để phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng và môi trường. Chính những chính sách khiến cho tình trạng bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn.
Chính vì vậy, thưa các quý vị đại biểu, các quý vị khách quý đây cũng là một thời kỳ đầy thách thức
Tất cả chúng ta đều biết rằng các lĩnh vực được coi là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế xanh như năng lượng, xây dựng và các ngành công nghiệp cơ bản lại là những lĩnh vực mà nam giới chiếm vị thế áp đảo. Trong số các Việc Làm Xanh hiện nay, phụ nữ có xu hướng có tỷ lệ đại diện thấp và nắm giữ các vị trí mang lại giá trị gia tăng thấp hơn. Chính vì vậy, có rủi ro lớn là nền kinh tế xanh sẽ không chỉ có thể sẽ bỏ qua phụ nữ mà trên thực tế còn có thể gây thiệt thòi cho họ nếu không được hoạch định một cách nhạy cảm giới.
Vậy thì chúng ta có thể làm được gì trong thời điểm quan trọng này, thời điểm của thách thức nhưng cũng là thời điểm của cơ hội?
Câu trả lời chính là một nền kinh tế xanh có đáp ứng giới, một nền kinh tế xanh đồng thời cũng tăng cường các cơ hội nghề nghiệp xanh cho phụ nữ theo chủ trương của chương trình nghị sự về việc làm bền vững.
Hiện tại, khí hậu bền vững đang ngày càng được ghi nhận là một loại hình hàng hóa công cộng quan trọng. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững - một loại hình hàng hóa công cộng khác không kém phần quan trọng thì lại chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng.
Tại thời điểm hiện tại, phần lớn các hoạt động chăm sóc sức khỏe được cung cấp trên nền tảng công việc chăm sóc không được trả công. Nếu như các công việc chăm sóc này được trả lương thỏa đáng và được bảo vệ, thì những việc làm này có thể đáp ứng được nhu cầu của cả nhân viên chăm sóc sức khỏe và người sử dụng dịch vụ. Nó cũng sẽ một công cụ tốt để có thể giảm gánh nặng của phụ nữ và trẻ em gái trong vai trò là người chăm sóc không được hưởng thu nhập.
Phù hợp với các cơ chế và công ước quốc tế, Văn phòng quốc gia của UN Women tại Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với nhiều chương trình khác nhau về thích ứng biến đổi khí hậu và sáng kiến xanh. Ví dụ: đầu tư xanh trong nông nghiệp là một lĩnh vực có tiềm năng đầy hứa hẹn bởi đây là lĩnh vực tạo công ăn việc làm lớn nhất cho khu vực nông thôn, nơi sinh sống của phần lớn người dân nghèo và cực nghèo. Quan trọng hơn nữa, đây là khu vực đang diễn ra quá trình nữ giới hóa nông thôn và nông nghiệp, một quá trình đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong chương trình "Cải thiện sinh kế và sự tham gia của phụ nữ hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam", UN Women tại Việt Nam hiện đang thực hiện một số mô hình sinh kế theo hướng an toàn và thân thiện môi trường, một mặt giảm các tác động tiêu cực đối với môi trường, mặt khác nỗ lực cải thiện sinh kế và khả năng chống chịu của nông dân dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của rủi ro biến đổi khí hậu và thiên tai.
Bài học rút ra từ việc thực hiện các mô hình sinh kế này sẽ đóng góp cho hoạt động vận động chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đáp ứng giới của UN Women tại Việt Nam.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Trong khi các nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh mang đầy tính tích cực và triển vọng, chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng để có thể chuyển mong muốn thành hành động, cần phải có cam kết chính trị. Quan trọng hơn cả, cần phải có những nỗ lực chủ tâm và có cân nhắc thích đáng tới việc xóa bỏ khoảng cách giới và những bất bình đẳng giới đang còn tồn tại, để việc xây dựng các chính sách và chương trình xanh sẽ không vô tình làm gia tăng bất bình đẳng giới, và đảm bảo sự tham gia và hưởng lợi bình đẳng của phụ nữ.
Buổi thảo luận ngày hôm nay là cách giúp chúng ta có thể biến cam kết thành hành động. Tôi hi vọng diễn đàn của chúng ta sẽ thành công rực rỡ. Tôi xin kính chúc tất cả các quý vị sức khỏe dồi dào, cùng chung tay xây dựng một tương lai xanh hơn.