Chương trình hỗ trợ cấp phát tiền mặt của FAO nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19
Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu là một nông dân 53 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình của chị trong một xã nhỏ ở Cà Mau, một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu là một nông dân 53 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình của chị trong một xã nhỏ ở Cà Mau, một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Dưới áp lực bởi đại dịch COVID-19, đi kèm với sự gián đoạn về kinh tế, cũng như tình trạng hạn hán đang diễn ra, cuộc sống của chị Châu cùng gia đình ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày chị phải chăm sóc hai đứa cháu nội giúp cho con trai chị, vì con chị đã lên thành phố kiếm việc làm. Gần đây, con trai chị không còn gửi được tiền về nhà bởi cả anh cùng vợ anh đều đã bị mất việc do đại dịch. Vì chợ cũng phải đóng cửa, cùng với các quy định về giãn cách xã hội, chị Châu và nhiều phụ nữ khác đã phải nghỉ bán rau, đồng thời mảnh vườn rau và ao cá của chị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hạn hán đang diễn ra.
Gia đình chị hiện chỉ biết phụ thuộc vào khoản thu nhập không ổn định từ việc làm mướn hàng ngày của chị để có tiền mua thực phẩm. Gia đình chị không thuộc diện hộ nghèo, và cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để tiếp cận được với chương trình hỗ trợ xã hội của chính phủ. Hoàn cảnh như gia đình chị Châu không phải là trường hợp duy nhất mà còn rất nhiều gia đình trong xã của chị và các khu vực khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự do đại dịch COVID-19 gây ra.
Một yếu tố càng làm gia tăng áp lực do đại dịch gây ra là việc tỉnh Cà Mau còn thường xuyên chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, hạn hán, xâm nhập mặn). Kể từ quý 4 năm 2019, tỉnh Cà Mau đã phải hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài kèm theo xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đe dọa mất an ninh lương thực. Đồng thời, các quy định của chính phủ về giãn cách xã hội do COVID-19 càng khiến an ninh lương thực và sinh kế của người dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chính phủ đã triển khai hỗ trợ xã hội cho người dân và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thông qua việc cấp hỗ trợ bằng tiền mặt cho các hộ nghèo và cận nghèo, những người bị mất việc làm và các hộ kinh doanh quy mô nhỏ, tuy nhiên nhiều người hiện vẫn nằm trong diện dễ bị tổn thương và con đường khôi phục kinh tế vẫn còn chưa rõ ràng.
Để ứng phó vấn đề này, vào tháng 6 năm 2020, FAO Việt Nam đã thực hiện một đánh giá nhanh về tác động của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch COVID-19 đối với an ninh lương thực và sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại tỉnh Cà Mau.
Vào tháng 8 năm 2020, các lớp tập huấn về quy trình cấp hỗ trợ tiền mặt đã được tổ chức tại huyện Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau với đối tượng là lãnh đạo các xã, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và trưởng xóm nhằm tạo sự hiểu biết về các tiêu chí và quy trình lựa chọn người hưởng lợi để có thể đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình triển khai chương trình cấp hỗ trợ bằng tiền mặt.
Nguồn hỗ trợ cho chương trình này được lấy từ dự án đang triển khai về “Mở rộng hoạt động cấp tài chính dựa vào dự báo/Cảnh báo sớm-Hành động sớm (FbF/EWEA) và Bảo trợ xã hội trước các cú sốc (SRSP) kèm theo sử dụng sáng tạo những thông tin về rủi ro khí hậu để tăng cường khả năng chống chịu thiên tại ở ASEAN”. Dự án này được sự tài trợ của Tổng Vụ Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự của Ủy ban Châu Âu (DG ECHO). Mục đích của khoản hỗ trợ bằng tiền mặt này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực và khôi phục sinh kế cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà chưa được tham gia vào chương trình hỗ trợ xã hội của chính phủ. Mỗi gia đình có từ 2 thành viên trở xuống sẽ nhận được khoản hỗ trợ là 2.250.000 đồng (tương đương với khoảng 97 USD), và mỗi gia đình có từ 3 thành viên trở lên sẽ nhận được khoản hỗ trợ 4.500.000 đồng (tương đương khoảng 194 USD).
FAO hiện là cơ quan chủ trì thực hiện dự án này cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC). Dự án này sẽ góp phần tăng cường hiệu quả cho các hoạt động ứng phó nhân đạo theo đúng tinh thần của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Nhân đạo năm 2016. Tại Hội nghị này, FAO cũng đã cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động liên quan.