Sổ tay hướng dẫn phương pháp lồng ghép quyền trẻ em vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Trẻ em là công dân đặc biệt, nhỏ tuổi, non nớt cả về thể chất và trí tuệ, do đó trẻ em không thể tự mình thực hiện và bảo vệ quyền của mình mà chủ yếu phụ thuộc vào người chăm sóc. Quyền của trẻ em chính là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm của người lớn, gia đình, nhà trường, nhà nước và xã hội. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua cộng đồng quốc tế luôn kêu gọi các quốc gia chú ý bảo đảm mọi nỗ lực, hướng tới mục tiêu phát triển con người, đặc biệt là phát triển trẻ em.
Ngày 20/02/1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC). Việc phê chuẩn sớm toàn bộ Công ước cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện Quyền trẻ em. Ngày 05/3/1991 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký "Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em" và ngày 18/8/1991 Quốc hội Việt Nam ban hành "Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em". Theo đó, Quyền của trẻ em và trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội được thể chế hóa thành luật pháp. Các chính sách về trẻ em được thực hiện cùng với chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.