Việt Nam thúc đẩy không phân biệt đối xử với HIV trong chăm sóc sức khoẻ
Một dự án thí điểm với cách tiếp cận mới đã được triển khai tại Tp. Hồ Chí Minh trong hai năm 2016-2017
Trong nỗ lực của Cục Phòng chống HIV/AIDS (VAAC) nhằm đẩy mạnh phòng chống phân biệt đối xử với HIV để hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, một dự án thí điểm với cách tiếp cận mới đã được triển khai tại Tp. Hồ Chí Minh trong hai năm 2016-2017. Dự án nhằm nâng cao hiểu biết và giảm phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong môi trường y tế, với hỗ trợ kỹ thuật của UNAIDS và hỗ trợ tài chính của Quỹ M.A.C AIDS và Quỹ DRTF của Liên Hợp Quốc.
Loại bỏ nỗi sợ HIV không đáng có ở nhân viên y tế
Tp. Hồ Chí Minh đã bắt đầu dự án thí điểm bằng việc đưa vào một bộ công cụ khảo sát về phân biệt đối xử liên quan đến HIV và tiến hành khảo sát trong các nhân viên y tế và những người sống với HIV sử dụng dịch vụ tại ba cơ sở y tế của thành phố.
“Chúng tôi chọn cả bệnh viên đa khoa và cơ sở y tế chuyên biệt về HIV để thực hiện khảo sát này", Bs. Tiêu Thị Thu Vân, nguyên Giám đốc Trung tâm phòng, chống AIDS Tp. Hồ Chí Minh cho biết. "Cuộc khảo sát cung cấp cho chúng tôi bằng chứng khoa học về mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV tại các cơ sở y tế, từ đó xây dựng được can thiệp phù hợp để tạo ra thay đổi trong nhân viên y tế. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng dự án thí điểm này khá quan trọng".
Cuộc khảo sát đã cho thấy rõ sự tồn tại dai dẳng, phạm vi và bản chất của tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV tại các cơ sở y tế tham gia dự án. Trên thực tế, 40% người được hỏi là người có HIV cho biết đã từng gặp phải sự phân biệt đối xử tại cơ sở y tế, trong khi nhiều nhân viên y tế (khoảng 70% tổng số người được hỏi) cho biết đã áp dụng biện pháp bảo vệ quá mức khi chăm sóc cho người có HIV do lo ngại bị lây nhiễm HIV. Sự cần thiết phải xóa bỏ nỗi sợ không đáng có về HIV trong nhân viên y tế, cũng như giảm thiểu sự kỳ thị và các thực hành phân biệt đối xử, là rõ ràng đối với các cơ quan chức năng và cấp quản lý của các cơ sở y tế này.
Dựa trên các kết quả của việc khảo sát, Trung tâm phòng chống AIDS Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với ba cơ sở y tế để trang bị cho nhân viên y tế các kiến thức và kỹ năng chuyên môn chính xác về phòng chống HIV. Can thiệp này gồm có việc xây dựng một bộ công cụ đào tạo phù hợp với tình hình ở Việt Nam, tổ chức các hội thảo dành cho giảng viên, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế với các đồng giảng viên là người có HIV và phát triển một bộ quy tắc ứng xử không phân biệt đối xử với HIV tại cơ sở y tế.
Cách tiếp cận đào tạo, tập huấn có sự tham gia và việc triển khai các can thiệp dựa trên bằng chứng đã dẫn đến những thay đổi tích cực về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Cuộc khảo sát sau tập huấn cho thấy các nhân viên y tế đã được tập huấn có tỷ lệ thấp hơn về nỗi sợ bị lây nhiễm HIV đồng thời có giảm đáng kể việc sử dụng các biện pháp bảo vệ quá mức (như đi hai lớp găng tay). Những cán bộ y tế tham gia tập huấn cũng cho biết chương trình tập huấn giúp xây dựng được kiến thức chính xác hơn về HIV/AIDS và loại bỏ được các suy nghĩ tiêu cực về người có HIV.
Củng cố quan hệ đối tác để chấm dứt phân biệt đối xử trong chăm sóc sức khỏe
Theo hướng dẫn toàn cầu, một kế hoạch hành động quốc gia về không phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế nên bao gồm 7 công việc ưu tiên. Một số ưu tiên này rất thích hợp trong đáp ứng với HIV.
Một yếu tố quan trọng tạo nên thành công của sáng kiến mới này chính là quan hệ đối tác, hợp tác giữa cán bộ y tế và cộng đồng người có HIV. Dự án thí điểm được thiết kế và thực hiện với sự tham gia chặt chẽ của các đại diện Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) và đại diện các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV - từ xây dựng dự án, điều chỉnh bộ công cụ sẵn có cho phù hợp với Việt Nam, tiến hành khảo sát, xây dựng tài liệu tập huấn, tập huấn cho giảng viên và cho cán bộ nhân viên tại các cơ sở y tế, đến theo dõi giám sát kết quả của dự án.
“Giảm phân biệt đối xử với HIV không chỉ là nhiệm vụ của các nhân viên y tế, mà những người sống với HIV cũng phải tham gia. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ba cơ sở y tế để tìm ra cách giải quyết vấn đề phân biệt đối xử đang tồn tại một cách phù hợp cho cả nhân viên y tế và cộng đồng, từ đó huy động được cộng đồng cùng tham gia vào nỗ lực này.” Ông Nguyễn Anh Phong, đại diện VNP+ tại phía Nam chia sẻ.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: "Tôi hy vọng các bài học kinh nghiệm từ dự án này sẽ giúp cải thiện hơn nữa phương pháp đo lường sự phân biệt đối xử với HIV tại các cơ sở y tế cũng như cách thức can thiệp, để có thể mở rộng cách làm này ra toàn quốc". Từ thành công của dự án trình diễn thí điểm do UNAIDS hỗ trợ, Việt Nam hiện đã có một tầm nhin lớn hơn trong việc thúc đẩy quy định không phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT năm 2017, nêu rõ cam kết tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế. Chi tiết về cách thức triển khai được đưa vào một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục phòng chống HIV/AIDS. Nỗ lực xoá bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV đã được mở rộng hơn ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác nơi có nhiều người nhiễm HIV, do Cục phòng chống HIV/AIDS và địa phương phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
“Nhờ có sự chỉ đạo và nỗ lực hợp tác của Chính phủ, các địa phương, các cấp quản lý tại các cơ sở y tế, cộng đồng những người sống với HIV và các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, và hỗ trợ từ phía LHQ và các đối tác phát triển khác, sáng kiến này đã được mở rộng và trở thành cam kết và nỗ lực ở cấp quốc gia. Điều này cho thấy giảm thiểu phân biệt đối xử và xây đắp các cơ sở y tế thân thiện với tất cả mọi người là có thể thực hiện được. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực này, ở mọi nơi mọi lúc, để biến mục tiêu KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ thành hiện thực và để không người dân nào bị bỏ lại phía sau." Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia của UNAIDS Việt Nam khẳng định.
***
Thông tin chung về công tác chống phân biệt đối xử trong phòng chống HIV của Việt Nam:
Năm 2014, Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu 90-90-90, nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của bản thân, 90% người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị lâu dài và 90% những người tham gia điều trị HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, phân biệt đối xử với HIV tại các cơ sở y tế vẫn đang là một rào cản lớn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV. Trong bối cảnh công tác phòng chống HIV được lồng ghép sâu hơn vào hệ thống y tế chung và nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, việc đảm bảo có các dịch vụ y tế thân thiện, kịp thời, không phân biệt đối xử cho tất cả mọi người, không tính đến tình trạng nhiễm HIV hay tình trạng sức khoẻ khác, bản dạng giới, hành vi bán dâm hoặc hành vi sử dụng ma tuý, là điều hết sức cần thiết và là một đầu tư sáng suốt. Tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật tình trạng nhiễm HIV của người bệnh cũng là một tiêu chí của dịch vụ y tế không phân biệt đối xử.