Sáng kiến của cộng đồng để dự phòng HIV và bạo lực giới trong thanh thiếu niên
Câu chuyện nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
“Tôi hay đứng lớp trong các buổi giáo dục về sức khoẻ tình dục, sức khỏe sinh sản tại các trường cấp 2 và cấp 3.” Chị Phan Thị Thu Trang, cán bộ Khoa sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Lâm Đồng cho biết. “Nhưng tôi và các thầy cô không trả lời được các câu hỏi về người LGBT[1].”
“Chúng tôi biết có một vài vụ việc liên quan đến phân biệt đối xử, thậm chí là bạo lực dẫn đến xây xát trên cơ thể đối với nam học sinh có vẻ ngoài không nam tính. Nhưng thầy cô chỉ có thể áp dụng biện pháp kỷ luật sau khi sự việc đã xảy ra mà chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là việc các em học sinh của chúng ta còn thiếu kiến thức về xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới[2].” Chị Trang chia sẻ tiếp.
Chị Trang là một trong số các học viên tham gia hội thảo tập huấn cấp tỉnh thành tại tỉnh Lâm Đồng do một số thành viên nòng cốt của Mạng lưới quốc gia người sống với HIV (VNP+) và Mạng lưới quần thể đích trẻ khu vực đồng bằng sông Cửu Long phối hợp thực hiện. Hội thảo tập huấn về kiến thức và kỹ năng cung cấp thông tin, truyền thông giáo dục (IEC) định hướng cho đối tượng thanh thiếu niên về nội dung giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (CSE), qua đó ngăn ngừa lây nhiễm HIV và bạo lực trên cơ sở giới trong thanh thiếu niên.
Khóa tập huấn IEC này là sáng kiến của cộng đồng và do cộng đồng thực hiện, nhằm góp phần thu hẹp khoảng trống trong giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (CSE) cả ở trong và ngoài trường học. Sáng kiến có sự hỗ trợ kỹ thuật của UNAIDS và UNFPA, với các cơ quan đồng chủ trì bao gồm Hội phòng, chống HIV/AIDS tp. Hồ Chí Minh và các cơ quan ban ngành liên quan cấp tỉnh như TTKSBT tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCSHCM và Sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đợt tâp huấn trong năm 2023 tiến hành tại ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Lâm Đồng, là một số tỉnh có dấu hiệu cho thấy số nhiễm HIV gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Các cán bộ công tác về thanh niên, với thanh niên ở các cơ quan liên quan, trường PTTH và cao đẳng trên địa bàn đã tham gia tập huấn.
“Chúng tôi thấy được mối liên hệ giữa nhận thức về SOGIE và ý thức, hành động để dự phòng lây nhiễm HIV trong thanh thiếu niên. Chúng tôi cũng nhận thấy có khoảng trống về những kiến thức này trong trường học của chúng ta. Vì vậy, một vài năm trở lại đây cộng đồng chúng tôi đã chủ động liên hệ với một số trường trung học và cao đẳng, đại học để tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về những vấn đề này, trước tiên tại tp. Hồ Chí Minh rồi dần lan sang các tỉnh xung quanh, nơi rất cần có những hoạt động này.” Bs. Nguyễn Tấn Thủ chia sẻ. Bs. Thủ là một giảng viên của lớp tập huấn, đồng thời là thành viên của mạng lưới VNP+ và người thuộc cộng đồng LGBTIQ+.
“Việc tham khảo các hướng dẫn toàn cầu mới nhất về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong và ngoài trường học, thông qua hỗ trợ kỹ thuật của UNAIDS và UNFPA giúp chúng tôi cập nhật và hoàn thiện hơn nữa chương trình và các tài liệu dành cho khóa tập huấn này” Bs. Thủ cho biết thêm.
Hội thảo tập huấn kéo dài 5 ngày được thiết kế theo cách tiếp cận lấy học viên làm trung tâm và đề cao tính tương tác, chủ động tham gia của học viên. Các học viên được tìm hiểu và bàn luận, suy ngẫm về các vấn đề liên quan đến SOGIE và CSE, chủ yếu thông qua các giảng viên và trợ giảng là người trong cuộc thuộc cộng đồng LGBTIQ+ và các bài tập nhóm.
“Lớp tập huấn này không giống các lớp tập huấn mà tôi đã tham dự, thực sự là rất thú vị và giúp tôi hiểu thêm nhiều điều mới. Khi tới với lớp, tôi không nghĩ là mình sẽ tập trung chú ý được suốt cả 5 ngày như vậy.” Thầy Hoàng Văn Ngưng, Bí thư Đoàn một trường PTTH cấp huyện của tỉnh Đồng Tháp chia sẻ cảm nghĩ vào cuối khóa tập huấn.
“Tôi không chỉ được học các kiến thức mới mà tôi học hỏi được nhiều nhất chính là cách xây dựng, tổ chức một hoạt động truyền thông hiệu quả, đến đúng đối tượng đích là các em trong độ tuổi thanh thiếu niên.” Chị Trang, cán bộ của TTKSBT tỉnh Lâm Đồng cho biết. “Từ việc được tiếp xúc, lắng nghe các em trong cộng đồng LGBT, tôi hiểu và cảm thông với các em. Lớp tập huấn này giúp tôi dễ kết nối với các em học sinh hơn. Sau lớp tập huấn, khi tôi đi truyền thông tại các trường và lồng ghép vấn đề SOGIE vào bài truyền thông, có một em học sinh nam đã chủ động chia sẻ câu chuyện bị các bạn kỳ thị vì em thể hiện bản dạng giới khác biệt của mình.”
Các đánh giá, phản hồi sau hội thảo tập huấn ở 3 tỉnh cho thấy các học viên có nhận xét tích cực cả về nội dung và phương pháp tập huấn. Học viên đặc biệt đánh giá cao cơ hội được tiếp xúc, lắng nghe trực tiếp từ đại diện các nhóm đích trẻ, gồm người nam đồng tính và người nữ chuyển giới. Các bạn cũng chính là những người đang cung cấp các dịch vụ tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng của mình.
“Sự chủ động, tích cực tham gia của cộng đồng là mấu chốt để đáp ứng được hiệu quả với HIV. Cộng đồng hiểu rõ nhất nhu cầu và cách thức để tiếp cận những người cần đến dịch vụ phòng, chống HIV, có thể tiếp cận và chuyển gửi họ tới dịch vụ và tiếp tục hỗ trợ để họ duy trì điều trị, không chỉ vì sức khỏe của bản thân họ mà còn để ngăn ngừa HIV tiếp tục lây lan.” Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc quốc gia của UNAIDS nhận xét.
“Chúng ta cần hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn nữa và tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng tham gia được nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vào đáp ứng với HIV. Như vậy Việt Nam mới có thể thực hiện được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 20230.” Ông Lataire nhấn mạnh.
[1] Người LGBT: Người đồng tính, người song tính và người chuyển giới
[2] Xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới viết tắt là SOGIE