Tác giả: Nguyễn Ngọc Trâm.
“Lúc mới ra trường, em luôn nghĩ khi trở thành nhân viên xã hội, mình sẽ là một người hùng - có thể giang tay cứu cuộc sống của người khác. Nhưng bây giờ, em không còn nghĩ như vậy nữa.”
Đó là tâm sự của Linh, cán bộ phụ trách Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), nơi cung cấp các hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người. Từ một nhân viên tham vấn tổng đài đến nhân viên xã hội trực tiếp hỗ trợ nạn nhân và trở thành cán bộ phụ trách, từ năm 2021 đến 2023, Linh và các đồng nghiệp đã hỗ trợ hơn 115 nạn nhân bị mua bán trở về thông qua dự án Phòng, chống mua bán người do IOM và Vương quốc Anh tài trợ.
Linh chia sẻ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người. Tại Ngôi nhà Bình yên, đa số phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán với mục đích bóc lột lao động và tình dục. Hầu hết các thân chủ đều có hoàn cảnh khó khăn, đã từng bị phân biệt trong cộng đồng hoặc trải qua bạo lực gia đình nên khi trở về họ có những tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và các mối quan hệ. Chính vì vậy, điều khó khăn nhất với nhân viên xã hội khi hỗ trợ thân chủ là quá trình tạo niềm tin để thân chủ mở lòng nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất, đồng thời phải có các kỹ năng chuyên môn để tránh gây tổn thương, tái sang chấn cho thân chủ.
“Thật ra đã có những lúc em thấy rất bất lực, nhất là khi khi thân chủ đưa ra quyết định không nhận các sự hỗ trợ hoặc lựa chọn không theo hướng mà mình nghĩ đó là tốt nhất. Khi đó, em thấy nghi ngờ năng lực của bản thân và tự hỏi “mình có thực sự phù hợp với công việc này không”. Hoặc đã có nhiều giai đoạn khối lượng công việc quá lớn, vấn đề của thân chủ nghiêm trọng khiến cho em cảm thấy quá tải.”
Trong gần 4 năm làm việc tại Ngôi nhà Bình yên, một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của Linh là việc hỗ trợ 4 trẻ sơ sinh bị mua bán, trong đó trẻ lớn nhất là 15 ngày tuổi, còn nhỏ nhất mới vỏn vẹn 7 ngày tuổi.
“Chúng em cứ đùa với nhau là mình toàn là các cô gái chưa kịp đẻ mà đã biết chăm con!”
Linh cười rạng rỡ cho hay, trong số các trẻ, có trẻ đã được trở về bên mẹ. CWD tiếp tục hỗ trợ tâm lý và sinh kế để mẹ có thể tiếp tục tin vào mình, vững tâm nuôi con.
“Nhà Bình Yên chính là ngôi nhà thứ hai của con đó!”- lời chia sẻ khi gặp lại của một trẻ hồi gia vẫn luôn được Linh giữ mãi trong tim. Em chợt nhận ra: “Mình đâu cần trở thành một người hùng, mình chỉ cần là điểm tựa để cùng thân chủ đồng hành vượt qua một giai đoạn khó khăn của cuộc đời họ mà thôi.”