“Tôn trọng để dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận với người chuyển giới” – Tiếng nói của cộng đồng
---
"Tôi không hiểu. Em là nam hay nữ?”
Những câu hỏi, nhận xét như vậy ở cơ sở y tế là lời nhắc nhở rõ ràng về sự phân biệt đối xử mà phụ nữ chuyển giới phải đối mặt. Đối với Tú Anh, một phụ nữ chuyển giới trẻ tuổi, và cộng đồng mà cô thuộc về, những tình huống trớ trêu như vậy không phải là hiếm. Người chuyển giới khi tiếp cận các dịch vụ y tế vẫn còn phải đối mặt với sự kỳ thị và cả những rào cản mang tính hệ thống khiến họ chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu.
Cuộc sống của phụ nữ chuyển giới
Tú Anh, một thành viên năng nổ trong cộng đồng các nhóm đích trẻ chịu ảnh hưởng nhiều bởi HIV cam kết góp phần tạo ra những thay đổi tích cực. Sinh ra và lớn lên vào cuối những năm 1990 ở miền Bắc Việt Nam, cô đã chứng kiến sự chật vật của phụ nữ chuyển giới trong cuộc sống, đặc biệt là những người xuất thân từ các tỉnh phía Bắc và là người dân tộc thiểu số. Họ bị thiệt thòi, chịu tổn thương nhiều hơn vì vừa phải đối mặt với các định kiến xã hội quanh mình, vừa có rất ít lựa chọn về các dịch vụ y tế.
Sống đúng với con người thật của mình - chấp nhận bề ngoài phản ánh đúng bản dạng giới của họ thay vì giới tính khi sinh - khiến nhiều người chuyển giới phải chịu sự soi mói và phân biệt đối xử.
Phân biệt đối xử tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người chuyển giới, từ khả năng tìm việc làm ổn định, được đối xử tử tế đến tìm kiếm các dịch vụ y tế, sự công nhận của xã hội, và được bảo vệ tránh khỏi bạo lực giới.
Theo Tú Anh, những khó khăn thách thức trong việc tìm kiếm công việc và có thu nhập ổn định khiến nhiều phụ nữ chuyển giới nhất là những người di cư tìm cách kiếm thu nhập để duy trì cuộc sống ở các cơ sở giải trí thậm chí làm mại dâm. Thật không may, sinh kế bấp bênh này khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm bạo lực giới và bạo lực tình dục, nguy cơ lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác. Tài chính eo hẹp càng làm trầm trọng thêm những thách thức này, đẩy một số chị em chấp nhận quan hệ tình dục không an toàn như không dùng bao cao su để được trả nhiều tiền hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các rủi ro về sức khỏe khác.
Tú Anh chia sẻ: "Tôi đã hỗ trợ nhiều chị em chuyển giới, vì khó khăn về kinh tế và bị kỳ thị giới nên đã phải chịu bạo lực về thể chất và tình dục. Nhiều chị em trong cộng đồng mang vết thương lòng và tâm lý mặc cảm rất sâu vì trải nghiệm bị chối bỏ và không thể sống trọn vẹn với bản dạng giới của mình".
Nhận thức về SOGIE[1] trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, vốn phải là điểm đến an toàn cho mọi người, nhưng có thể lại chính là nguyên nhân gây ra tâm lý căng thẳng và tổn thương cho phụ nữ chuyển giới. Những câu hỏi không cần thiết của các nhân viên y tế liên quan đến cá nhân, chẳng hạn như về bản dạng giới hoặc ngoại hình, làm tăng sự ngần ngại của người chuyển giới trong việc tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, việc không có các giấy tờ xác nhận giới tính mong muốn đồng nghĩa với việc bản dạng giới của họ thường trái với giới tính được ghi trong các giấy tờ chính thức, dẫn đến việc nhiều người chuyển giới bị từ chối sử dụng dịch vụ.
Tú Anh cho biết: “Chúng tôi mong muốn được đối xử như bất kỳ người dân nào khác”. Để góp phần hỗ trợ cộng đồng của mình, cô đã nỗ lực hoạt động trong mạng lưới hỗ trợ cộng đồng phụ nữ chuyển giới, kết nối phụ nữ chuyển giới với các phòng khám cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện và tôn trọng đối với người chuyển giới. Ngoài ra, cộng đồng đã huy động sự hỗ trợ và thành lập các phòng khám HIV được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của phụ nữ chuyển giới cũng như hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng các đối tác phát triển để tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về SOGIE, qua đó nhân viên y tế được tiếp nhận thông tin và tương tác trực tiếp với đại diện cộng đồng để hiểu về SOGIE và cung cấp dịch vụ y tế phù hợp hơn với cộng đồng này, không phán xét và đảm bảo bảo mật thông tin.
Tú Anh bày tỏ: “Chúng tôi rất hoan nghênh công văn chỉ đạo của Bộ Y tế gửi đến tất cả các cơ sở y tế gần đây khẳng định rằng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) là khuynh hướng tính dục và bản dạng giới tự nhiên khi sinh ra, không thể thay đổi và cũng không thể điều trị. Công văn cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên cả nước cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người LGBT một cách tôn trọng và không phân biệt đối xử“ .
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn rất nhiều các việc cần làm để có thể nâng cao nhận thức của nhân viên y tế nói chung về xu hướng tính dục, bản dạng giới và biểu hiện giới (SOGIE) trên quy mô rộng hơn để cung cấp dịch vụ y tế không phân biệt đối xử. Việc nâng cao nhận thức về SOGIE trang bị cho các nhân viên y tế kiến thức và tạo sự đồng cảm để hiểu và tôn trọng những nhu cầu đa dạng của người chuyển giới. Thông qua việc thúc đẩy môi trường dịch vụ y tế mang tính bao trùm, những người cung cấp dịch vụ y tế sẽ tạo được môi trường an toàn, thân thiện, và khuyến khích được người chuyển giới sẵn sàng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế khi có nhu cầu, hướng đến mục đích cuối cùng là cải thiện kết quả sức khỏe cho người chuyển giới và cả cộng đồng.
Cung cấp dịch vụ y tế mang tính bao trùm để người dân dễ tiếp cận
Tú Anh nhấn mạnh: “Mọi người sẽ có sẵn sàng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế nhiều hơn khi họ cảm thấy an toàn và được tôn trọng”.
Trong Tháng Hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS năm nay (10/11/2024 – 10/12/2024), hướng đến Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS, Tú Anh và các thành viên trong cộng đồng người chuyển giới mong chờ và kêu gọi có những thay đổi tích cực hơn cho cộng đồng người chuyển giới.
Theo ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam, "Xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe mang tính bao trùm và tôn trọng là cần thiết để đảm bảo rằng mọi người dân, bất kể bản dạng giới hay xu hướng tính dục như thế nào, đều có cơ hội sống khỏe mạnh và có phẩm giá. Sự thay đổi có thể xảy ra khi cộng đồng, các cơ quan chức năng và người cung cấp dịch vụ y tế cùng nhau thúc đẩy và thực hiện mỗi ngày cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. Để chấm dứt đại dịch AIDS như một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, chúng ta cần đảm bảo tiếp cận công bằng tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân."
Đối với Tú Anh và nhiều người khác trong cộng đồng chuyển giới, hành trình để sống khỏe, sống là chính mình và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn dài. Với sự hỗ trợ từ UNAIDS và các tổ chức quốc tế khác, và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính phủ, những nỗ lực chung bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới sẽ tiếp tục, hướng đến một tương lai mà người chuyển giới không còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế, để tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần và sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn, trọn vẹn hơn.
[1]SOGIE: khuynh hướng tình dục, bản dạng và biểu hiện giới