Thông cáo báo chí

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc công bố kế hoạch giải quyết các tác động có khả năng tàn phá đối với kinh tế xã hội của COVID-19

31 tháng 3 2020

  • Thành lập Quỹ toàn cầu để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình

NEW YORK, 31 tháng 3 năm 2020 – Dịch coronavirus mới (COVID-19) đang tấn công đến tận cốt lõi của các quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng và sinh kế của con người. Các tác động tiềm năng dài hạn đối với nền kinh tế toàn cầu và của từng quốc gia là rất lớn.

Trong một báo cáo mới với tựa đề “Chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu: Đối phó với các tác động kinh tế xã hội của COVID-19”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi mọi người cùng nhau hành động để giải quyết tác động tiêu cực và giảm bớt “cú sốc” mà đại dịch gây ra cho nhân loại.

Báo cáo mô tả tốc độ và quy mô của bùng nổ dịch, mức độ nghiêm trọng của các trường hợp và sự gián đoạn kinh tế và xã hội do COVID-19 gây ra, cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 33 257 người, với 697 244 trường hợp được xác nhận ở 204 quốc gia, khu vực và lãnh thổ.*.

Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “COVID-19 là thử nghiệm lớn nhất mà chúng tôi phải cùng nhau đối mặt kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc. Cuộc khủng hoảng con người này đòi hỏi phải có hành động phối hợp, quyết đoán, toàn diện và đổi mới về chính sách từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới - và hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tối đa cho những quốc gia và những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thê giới.”

Báo cáo này được công bố sau khi IMF đưa ra tuyên bố rằng thế giới đã rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ bằng hoặc hơn so với năm 2009. Bản báo cáo kêu gọi một nỗ lực ứng phó đa phương với quy mô lớn, toàn diện và được phối hợp tốt, và chiếm ít nhất 10% GDP toàn cầu.

Hệ thống Liên Hợp Quốc và mạng lưới trên toàn cầu, gồm các văn phòng khu vực, tiểu khu vực và quốc gia đang hoạt động vì hòa bình, nhân quyền, phát triển bền vững và hành động nhân đạo, sẽ hỗ trợ tất cả các Chính phủ và đối tác thông qua các nỗ lực ứng phó và phục hồi.

Vì vậy, Tổng Thư ký đã thành lập Quỹ ứng phó và phục hồi COVID-19 chuyên biệt để hỗ trợ các nỗ lực ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Cách tiếp cận này sẽ củng cố các nỗ lực cải cách LHQ cùng với cơ chế hoạt động đa cơ quan, đa ngành kết hợp với các chương trình hành động ưu tiên của quốc gia và địa phương để giải quyết tác động kinh tế xã hội của khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Kế hoạch hỗ trợ ứng phó và phục hồi này sẽ dựa vào sự lãnh đạo hệ thống LHQ tại quốc gia của các Điều phối viên thường trú và các nhóm Lãnh đạo của các tổ chức đó, trong việc nhanh chóng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các Chính phủ trong cuộc khủng hoảng và trong giai đoạn phục hồi sau này.

* Tổ chức Y tế Thế giới 31 tháng 3 năm 2020

GHI CHÚ DÀNH CHO CÁC BIÊN TẬP VIÊN

Trách nhiệm chung và lộ trình đoàn kết toàn cầu kêu gọi:

  • Ngăn chặn sự lây truyền của virus để kiểm soát đại dịch.

  • Bảo vệ an toàn cho cuộc sống của người dân và sinh kế của họ.

  • Học hỏi từ cuộc khủng hoảng này của nhân loại để xây dựng trở lại tốt hơn.

Ngăn chặn sự lây truyền của virus để kiểm soát đại dịch

Báo cáo cảnh báo rằng chúng ta không còn thời gian và phải thực hiện khẩn cấp những ứng phó hợp tác và mạnh mẽ nhất mà thế giới chưa từng thấy trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe. Những hỗ trợ mạnh mẽ nhất phải được cung cấp cho các nỗ lực đa phương do Tổ chức Y tế Thế giới lãnh đạo, để ngăn chặn lây truyền và chặn đứng đại dịch.

Đồng thời hiện có nhu cầu hợp tác khoa học rất lớn trong việc tìm kiếm vắc-xin và thuốc điều trị hiệu quả. Điều này phải đáp ứng được với sự đảm bảo tiếp cận phổ cập với vắc-xin và điều trị.

Thông qua báo cáo, một cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm được thúc đẩy nhằm kêu gọi các cộng đồng gắn kết bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tôn trọng quyền con người và hòa nhập, bình đẳng giới và nhân phẩm cho tất cả mọi người.

Bảo vệ cuộc sống người dân và sinh kế của họ

Nhận thấy rằng dịch bệnh có thể phơi bày và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có trong xã hội, bản đồ lộ trình cho thấy việc khắc phục hậu quả đối với cuộc sống của người dân, sinh kế của họ và nền kinh tế là vô cùng quan trọng.

Báo cáo nêu bật các ví dụ về các hành động các quốc gia có thể thực hiện, như cung cấp nguồn lực trực tiếp để hỗ trợ người lao động và hộ gia đình, cung cấp bảo hiểm y tế và thất nghiệp, nhân rộng bảo trợ xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp để ngăn chặn phá sản và mất việc làm.

Báo cáo công nhận mạnh mẽ rằng phụ nữ và trẻ em gái phải được coi trọng trong thiết kế các hoạt động ứng phó; và cơ hội cho những người trẻ tuổi, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cần được bảo tồn.

Học hỏi từ cuộc khủng hoảng này để xây dựng lại tốt hơn

Thế giới sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn trong quá trình phục hồi: Quay trở lại thế giới mà chúng ta đã biết trước đây hoặc giải quyết dứt điểm những vấn đề khiến mọi người dễ bị tổn thương không cần thiết trước cuộc khủng hoảng này và trong tương lai.

Từ các hệ thống y tế mạnh hơn và ít người phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực hơn để đạt được bình đẳng giới và thực hiện các hành động về khí hậu cho một hành tinh lành mạnh, báo cáo đưa ra hy vọng rằng bài học từ cuộc khủng hoảng này của con người có thể giúp xây dựng các xã hội công bằng và kiên cường hơn và thực hiện được lời hứa của Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Quan hệ đối tác vì sự tiến bộ

Không một quốc gia hay thực thể nào sẽ có chiến thắng đại dịch một mình. Ứng phó và phục hồi thành công đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác ở mọi cấp độ - các Chính phủ thực hiện hành động trong từng bước quan trọng với các cộng đồng; sự tham gia của khu vực tư nhân để tìm ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Quan hệ đối tác dựa trên sự đoàn kết sẽ là nền tảng cho sự tiến bộ.

Xã hội dân sự, phụ nữ và các tổ chức cơ sở, các tổ chức dựa trên cộng đồng và các tổ chức dựa trên đức tin sẽ đóng vai trò quan trọng. Trong việc hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, các mạng lưới này tích cực trong việc mang lại cơ hội kinh tế và sinh kế và thích ứng với bối cảnh cộng đồng. Các tổ chức này, ở nhiều nơi trên thế giới, là điểm tham chiếu đầu tiên hoặc duy nhất cho các cá nhân và gia đình khi họ tìm cách đối phó với các tác động của COVID-19 và cho sự phục hồi trước mắt.

Kêu gọi hành động

Đại dịch COVID-19 là một thời điểm lịch sử xác định cho xã hội hiện đại và đánh giá hiệu quả của các ứng phó - không phải bằng hành động của bất kỳ nhóm Chính phủ nào được thực hiện một cách cô lập, mà theo mức độ mà các hoạt động ứng phó đa lĩnh vực được phối hợp trên phạm vi toàn cầu vì lợi ích gia đình nhân loại của chúng ta.

Liên Hợp Quốc và mạng lưới toàn cầu gồm các văn phòng khu vực, tiểu khu vực và quốc gia đang hoạt động vì hòa bình, nhân quyền, phát triển bền vững và hành động nhân đạo, được hỗ trợ bởi các cơ chế phối hợp được thiết lập, sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo trước hết là cứu sống các sinh mạng, khôi phục sinh kế, và để nền kinh tế toàn cầu và những người mà chúng tôi phục vụ sẽ lại nổi lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng này.

129 Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc và các Lãnh đạo của các tổ chức tại quốc gia sẽ cung cấp chính sách toàn diện và hỗ trợ hoạt động ở cấp quốc gia để hỗ trợ toàn bộ cách tiếp cận xã hội ở các nước. Với những hành động đúng đắn, đại dịch COVID-19 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kiểu hợp tác toàn cầu và xã hội mới.

 

Các biện pháp được đề xuất để đối phó với các tác động của COVID-19:

1. Các biện pháp toàn cầu để ứng phó phù hợp với mức độ khủng hoảng

  • Ủng hộ và hỗ trợ thực hiện gói kích thích tập trung vào con người, đổi mới và phối hợp đạt điểm tang trưởng phần trăm hai chữ số của tổng sản phẩm quốc nội.

  • Chống lại sự cám dỗ để sử dụng các biện pháp bảo vệ.

  • Thực hiện các biện pháp rõ ràng để thúc đẩy nền kinh tế của các nước đang phát triển.

2. Huy động cấp khu vực

Một cách tiếp cận khu vực được phối hợp tốt sẽ cho phép kiểm tra tổng thể các tác động, phối hợp các biện pháp tiền tệ, tài chính và xã hội, và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và các bài học kinh nghiệm.

  • Áp dụng các chính sách thương mại KHÔNG GÂY HẠI, duy trì kết nối và đảm bảo điều phối tài chính tiền tệ khu vực.

  • Tham gia với khu vực tài chính tư nhân để hỗ trợ các doanh nghiệp.

  • Giải quyết các thách thức về cấu trúc và tăng cường các khung quy phạm để đối phó với các rủi ro xuyên biên giới.

3. Đoàn kết dân tộc là rất quan trọng để không ai bị bỏ lại phía sau

Đại dịch đang tấn công nền kinh tế thế giới vốn đã yếu và mong manh. Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 đã là chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009. Theo ước tính của ILO, thế giới có thể mất từ 5 triệu đến 25 triệu việc làm.

  • Thực hiện kích thích tài khóa và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.

  • Bảo vệ Nhân quyền và tập trung bao trùm.

  • Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  • Hỗ trợ công việc tốt.

  • Hỗ trợ giáo dục.

  • Ưu tiên các biện pháp gắn kết xã hội.

 

Ước tính thiệt hại về kinh tế xã hội do COVID-19 gây ra tính đến tháng 3 năm 2020

Mất 5 - 25 triệu việc làm (ILO)

860 tỷ USD - Thu nhập từ lao động mất 3,4 nghìn tỷ USD (ILO)

Áp lực giảm 30% - 40% đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu (UNCTAD)

Giảm 20% - 30% lượng khách quốc tế (UNWTO)

3,6 tỷ người ngoại tuyến (ITU)

1,5 tỷ học sinh bị đẩy ra khỏi trường học (UNESCO)

[KẾT THÚC]

 

More: https://www.un.org/en/un-coronavirus-communications-team/launch-report-socio-economic-impacts-covid-19

Trinh Anh Tuan

Trịnh Anh Tuấn

RCO
Chuyên viên Cao cấp về Truyền thông và Vận động Chính sách

Các cơ quan LHQ tham gia sáng kiến này

UN
Liên Hợp Quốc

Các mục tiêu chúng tôi đang hỗ trợ thông qua sáng kiến này